Việc rà soát những điểm bất cập của QĐ 60 để điều chỉnh là cần thiết và cấp bách, nhằm khơi thông những ách tắc trong việc giải quyết nhu cầu tách thửa của người dân.
QĐ 60 do UBND TPHCM ban hành đã có hiệu lực 2 năm rưỡi, thế nhưng thực tế ghi nhận từ các quận huyện cho thấy số lượng hồ sơ được giải quyết tách thửa rất ít. Bởi, do chú trọng ngăn ngừa sai phạm trong việc phân lô hộ lẻ, một số quy định của QĐ 60 đã vô tình làm khó người dân. Đất đai là tài sản, hàng hóa đặc biệt. Đất đai tại đô thị không chỉ được sử dụng làm mục đích xây dựng nhà ở, phương tiện sản xuất kinh doanh, mà còn là tài sản của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu. Trong đời sống, người dân có rất nhiều mục đích, lý do khác nhau để chia đất, chứ không nhất thiết tách thửa để làm nhà ở. Trong khi đó, QĐ 60 quy định diện tích tối thiểu tách thửa chỉ điều chỉnh đối tượng và những điều kiện được tách thửa, chứ không nói đến mục đích tách thửa.
Theo QĐ 60, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở là 36m², 50m² và 80m² tùy theo khu vực. Điều kiện được tách thửa phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc khu dân cư hiện hữu chỉnh trang. Trong trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật, thì người sử dụng đất phải thực hiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt, nối kết hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu khu vực.
Ngoài quy định này, các sở ngành còn có văn bản hướng dẫn thực hiện QĐ 60 với điều kiện còn phức tạp, khó khăn hơn. Nhiều hộ gia đình không thể tách thửa để chia cho con cái vì quy định cứng nhắc, người dân muốn tách thửa không những phải đáp ứng đủ các điều kiện về diện tích tối thiểu mà đất phải nằm trong khu quy hoạch khu dân cư hiện hữu và đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông (đường, điện, nước, thoát nước…), được cơ quan chức năng nghiệm thu, được nối kết…
Những quy định này như đánh đố người dân, bởi thực tế chỉ có những đầu nậu núp bóng hộ gia đình lợi dụng tách thửa để làm dự án mới có điều kiện để làm hạ tầng, kết nối giao thông, còn người dân chia cho con cái 100m² để làm nhà ở riêng hay khu đất chừng 300m² - 400m² là tài sản, di sản thừa kế thì khó xin dự án, đầu tư làm hạ tầng. Thực tế không phải hộ gia đình nào thực hiện tách thửa đều làm nhà ở, mà là để phân chia tài sản, di sản trong gia đình. Đây là nhu cầu không thể thiếu trong quan hệ gia đình, cũng là quyền hợp pháp, chính đáng của người dân, nhưng khó thực hiện theo quy định hiện nay.
Thêm một vướng mắc mà nhiều hộ gia đình không thể vượt qua là vấn đề quy hoạch. Nhà đất của người dân tồn tại trước khi Nhà nước thực hiện xây dựng quy hoạch đô thị tỷ lệ 1/500, 1/2000. Các hộ gia đình may mắn nằm trong khu quy hoạch là khu dân cư hiện hữu hoặc khu dân cư hiện hữu chỉnh trang mới được tách thửa, còn nằm ngoài quy hoạch này thì chỉ biết chờ Nhà nước điều chỉnh hay bỏ quy hoạch.
Chủ trương điều chỉnh quy định về diện tích tối thiểu khi thực hiện tách thửa ở khu vực đô thị là cần thiết, nhằm tránh tình trạng lợi dụng tách thửa để phân lô bán nền, làm manh mún đất đai, hình thành khu dân cư “trắng” hạ tầng. Tuy nhiên, để không làm hạn chế quyền của người dân về đất đai thì nên quy định rạch ròi giữa mục đích tách thửa kinh doanh của doanh nghiệp và quyền sử dụng đất, tài sản hộ gia đình.