Quy định pháp luật về tăng ca

Việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) buộc người lao động (NLĐ) tăng ca quá mức có thể gây tác hại sức khỏe của NLĐ. Do vậy, pháp luật đã có quy định về việc tăng ca, để ngăn chặn việc buộc tăng ca quá thời gian quy định.

Việc người sử dụng lao động (NSDLĐ) buộc người lao động (NLĐ) tăng ca quá mức có thể gây tác hại sức khỏe của NLĐ. Do vậy, pháp luật đã có quy định về việc tăng ca, để ngăn chặn việc buộc tăng ca quá thời gian quy định.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Đối với các  công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (theo danh mục do Bộ LĐTB-XH phối hợp với Bộ Y tế ban hành), thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong một ngày. Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.

Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động 2012 và Điều 4 Nghị định 45/2013 hướng dẫn Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động quy định NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm giờ khi đáp ứng các điều kiện: Được sự đồng ý của NLĐ; bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày; trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, số giờ làm thêm không quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm. Việc tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm áp dụng trong các trường hợp: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt may da giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; và các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn. Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng, NSDLĐ phải bố trí để NLĐ nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ. Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động.

Điều 107 Bộ luật Lao động có quy định NSDLĐ có quyền yêu cầu NLĐ làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào và NLĐ không được từ chối trong các trường hợp: Thực hiện lệnh động viên, huy động bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng - an ninh theo quy định của pháp luật; thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh và thảm họa .

Đối với NLĐ nữ trong thời gian mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì NSDLĐ không được sử dụng lao động nữ làm đêm, làm thêm giờ.

Trường hợp NSDLĐ yêu cầu NLĐ làm thêm giờ không tuân thủ các điều kiện mà pháp luật đã quy định nêu trên là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền được đảm bảo sức khỏe của NLĐ. Khi cho rằng quyết định, hành vi của NSDLĐ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, NLĐ có quyền khiếu nại trực tiếp hoặc khiếu nại bằng văn bản đối với hành vi yêu cầu tăng ca trái pháp luật của NSDLĐ. Khi hết thời gian giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà NLĐ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của NSDLĐ thì trong thời hạn 30 ngày, NLĐ có quyền khiếu nại lần hai, gửi đơn tới Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính. Trường hợp NLĐ không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH thì có thể nộp đơn khởi kiện lên tòa án nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính do hành vi vi phạm hợp đồng lao động (cụ thể là vi phạm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi).  Hồ sơ vụ án sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng.

Với hành vi yêu cầu NLĐ làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định, NSDLĐ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, với mức xử phạt lên đến 50 triệu đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động từ 1 tháng đến 3 tháng (khoản 4 và 5 Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).


Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam)

Tin cùng chuyên mục