Đất lúa, đất rừng không được xây dựng sân golf
Mặc dù bãi bỏ quy hoạch, nhưng kinh doanh sân golf được Chính phủ quy định các điều kiện rất chặt chẽ.
Cụ thể, sân golf chỉ được xây dựng tại các địa điểm đáp ứng được các điều kiện như: phù hợp với nguyên tắc quy định và đáp ứng điều kiện về sử dụng đất theo quy định; phù hợp với định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có liên quan; đáp ứng điều kiện xây dựng công trình cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật kết nối trong và ngoài khu vực sân golf; phù hợp với yêu cầu lập hành lang bảo vệ nguồn nước, phòng chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và các yêu cầu theo quy định của pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tài nguyên môi trường biển, hải đảo.
Dự án sân golf ở vùng trung du, miền núi được sử dụng tối đa không quá 5ha đất trồng lúa một vụ, phân tán tại địa điểm xây dựng và phải đáp ứng điều kiện về bảo vệ, phát triển đất trồng lúa, điều kiện thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Dự án sân golf sử dụng đất rừng sản xuất không phải là rừng tự nhiên phải đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về lâm nghiệp.
Việc sử dụng đất tại vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực có yếu tố gốc cấu thành di tích để xây dựng sân golf không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích và phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật di sản văn hóa.
Cam kết tái định cư cho người sử dụng đất
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan. Nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: Phải có năng lực tài chính và các điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án sân golf theo quy định của pháp luật về đất đai; phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (đối với trường hợp phải ký quỹ) theo quy định của pháp luật về đầu tư; phải có giải pháp, kế hoạch và cam kết hỗ trợ tái định cư, đào tạo, sử dụng lao động phù hợp cho người đang sử dụng khu đất dự kiến thực hiện dự án sân golf và người lao động tại địa phương.
Ngoài ra, nhà đầu tư phải tự bảo đảm các yêu cầu, điều kiện cần thiết về kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước; xử lý nước thải và bảo vệ môi trường khi xây dựng sân golf. Khi chưa đáp ứng điều kiện, thủ tục quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan; hoặc lợi dụng kinh doanh sân golf để tổ chức hoạt động cá cược, đánh bạc, gá bạc trái phép… nhà đầu tư sẽ bị cấm đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf.
Diện tích sân golf cũng phải phụ thuộc vào quy mô dự án. Chẳng hạn như: diện tích sân golf tiêu chuẩn (18 lỗ) không quá 90ha (bình quân không quá 5ha/một lỗ golf); diện tích dự án sân golf xây dựng lần đầu không được quá 270ha (54 lỗ golf)... Nhà đầu tư phải hoàn thành xây dựng sân golf trong thời hạn không quá 36 tháng (đối với sân golf 18 lỗ) hoặc không quá 48 tháng (đối với sân golf khác) kể từ ngày được quyết định cho thuê đất...
Việc mở rộng dự án sân golf đã được quyết định chủ trương đầu tư chỉ được xem xét sau khi dự án đó đã hoàn thành xây dựng, đưa vào hoạt động và đáp ứng các điều kiện quy định.
Trường hợp nhà đầu tư đề xuất các dự án sân golf khác nhau trên cùng địa giới hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì đề xuất dự án sân golf kế tiếp của nhà đầu tư đó chỉ được xem xét sau khi dự án sân golf đã được quyết định chủ trương đầu tư trước đó hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động.
Chính phủ cũng quy định, các cơ quan thẩm quyền quản lý về quy hoạch, đất đai có trách nhiệm công bố công khai và cung cấp thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về quy hoạch và đất đai làm cơ sở để xác định địa điểm xây dựng sân golf.