Các quy định trên được IPCC thông qua sau cuộc họp của đại hội đồng IPCC tại thành phố Kyoto, Nhật Bản, trước khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bắt đầu được thực thi chính thức vào năm 2020.
Cách tính khí thải trên bổ sung cách tính được đưa ra từ năm 2006, theo đó bao gồm cả các cách tính lượng khí thải từ hoạt động sản xuất hydro được dùng trong các pin nhiên liệu và các sản phẩm khác, cũng như lượng khí thải xuất phát từ hoạt động khai thác than đá và khí đốt tự nhiên. Cách tính mới này cũng giúp các nước ước tính chính xác hơn về lượng khí phát thải từ hoạt động chôn lấp rác thải và xử lý nước thải.
Quy định chi tiết sẽ được ban hành sau khi được thông qua tại hội nghị Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ năm 2016, đặt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu dưới 1,5°C so với thời kỳ tiền công nghiệp nhằm hạn chế xảy ra lũ lụt, hạn hán, sông băng tan chảy, mực nước biển dâng cao và các tác động tiêu cực khác do tình trạng ấm lên của Trái đất.
Trước đó, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo, thế giới đang “chệch hướng” mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu.
Tổng thư ký LHQ Guterres nêu rõ một nghịch lý là các đảo quốc nhỏ “thực sự đang nằm ở tiền tuyến” và sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, trong khi nỗ lực chính trị của cộng đồng quốc tế đang trở nên “mờ nhạt”.