Quy định khai báo dao dài 20cm: Tránh gây phiền hà cho người dân

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) có quy định “dao có tính sát thương cao” có lưỡi dài từ 20cm trở lên thuộc nhóm vũ khí thô sơ và phải khai báo. Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, những nhà sản xuất, kinh doanh nên khai báo; còn gia đình sử dụng công cụ phục vụ sản xuất, sinh hoạt thì không nên vì gây phiền hà.

Ngày 3-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

87316967249c84c2dd8d.jpg
Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên họp Quốc hội sáng 3-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội (ĐB) quan tâm nhiều đến quy định về dao có độ dài từ 20cm trở lên được xem là vũ khí thô sơ. Nhiều ĐB băn khoăn quy định này và đề nghị cần cân nhắc xem xét để khi luật đi vào cuộc sống, tránh gây phiền hà cho người dân.

Cụ thể, với quy định “dao có tính sát thương cao” có lưỡi dài từ 20cm trở lên thuộc nhóm vũ khí thô sơ, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, người dân sử dụng trong sản xuất, sinh hoạt gọi là công cụ hỗ trợ. Các đối tượng tội phạm, manh động sử dụng thì gọi là hung khí. ĐB không đồng tình việc "gom” dao dài 20cm có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ.

6775fc2673ded3808acf.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa. Ảnh: QUANG PHÚC

Do đó, ĐB đề nghị dự thảo luật cần giải thích rõ từ ngữ. “Dao người dân đang sử dụng phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt mà gọi là vũ khí thô sơ là đâu có được. Đó là công cụ của gia đình”, ĐB Phạm Văn Hòa nói.

ĐB cũng không đồng tình và đề nghị xem xét lại việc cấm vận chuyển dao phục vụ cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt.

“Đối với những nhà sản xuất, kinh doanh thì nên khai báo. Gia đình sử dụng phục vụ sản xuất, sinh hoạt thì không nên khai báo. Bởi nếu khai báo là gây phiền hà cho người dân”, ĐB Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

502b7fb9fb415b1f0250.jpg
ĐB Nguyễn Văn Cảnh. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, dự thảo quy định có tính răn đe đối với các đối tượng manh động, có tiền án tiền sự, tuy nhiên với quy định trên cũng có hạn chế, đó là nếu quy định dao từ 20cm trở lên hoặc dao tự chế là vũ khí thô sơ thì các đối tượng này thường sử dụng dao tự chế hơn.

ĐB cũng cho biết thêm, quy định này không hạn chế được các trường hợp sử dụng dao sắt nhọn, nhỏ để giải quyết các trường hợp mâu thuẫn.

Do vậy, để hạn chế thương vong theo hướng phòng là chính và giúp người dân sử dụng công cụ là dao trong sinh hoạt, sản xuất thuận tiện, ĐB Phạm Văn Cảnh đề nghị, những dao sắt nhọn đang sử dụng đúng nhu cầu, mục đích sinh hoạt, sản xuất thì không xem là vũ khí thô sơ.

Trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) có bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.

Đồng thời, quy định vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật là vũ khí quân dụng.

Tin cùng chuyên mục