Chiều 29-3, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM đã chủ trì cuộc họp cùng các sở ngành liên quan và các quận huyện nhằm sơ kết công tác tách thửa theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 5-12-2017 của UBND TPHCM và Công văn hướng dẫn số 914 của Sở QH-KT về điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và nghiệm thu hệ thống cơ sở hạ tầng đối với trường hợp tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Báo cáo của Sở QH-KT cho thấy, tổng số hồ sơ của 10 quận huyện đã giải quyết theo Quyết định 60 là 2.467 hồ sơ. Trong đó, số lượng hồ sơ giải quyết tách thửa đất ở không hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật là 2.240 hồ sơ (chiếm 90,8%), lượng hồ sơ giải quyết tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật là 157 hồ sơ (7,6%), lượng hồ sơ tách thửa đất nông nghiệp là 42 hồ sơ (1,7%, huyện Nhà Bè). Tính đến ngày 31-12-2018, có 79 hồ sơ tách thửa có hình thành đường giao thông được gửi đến Sở QH-KT, trong đó có 65/79 hồ sơ khu đất có chức năng phù hợp với Quyết định 60.
Theo phản ánh từ các quận huyện, nhu cầu tách thửa là nhu cầu chính đáng của người dân, tuy nhiên thời gian qua việc giải quyết hồ sơ còn khá chậm chưa đúng với nhu cầu, gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân do một số quy định chưa rõ ràng, ví dụ theo Quyết định 60, thửa đất thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang thì được tách thửa. Tuy nhiên hiện nay, các quy hoạch điểm dân cư nông thôn có các loại đất như đất ở kết hợp sản xuất, đất vườn… Hay theo Luật Quy hoạch đô thị, đối với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thì định kỳ 5 năm kể từ ngày phê duyệt quy hoạch, cơ quan tổ chức mới tiến hành rà soát làm cơ sở xem xét điều chỉnh quy hoạch nếu đủ điều kiện. Do vậy, đề nghị Quyết định 60 làm rõ về thời điểm “3 năm kể từ ngày rà soát quy hoạch này” là rà soát theo Luật Quy hoạch hay Luật đất đai?
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 12 Nguyễn Văn Tuyên đề xuất, đối với những khu đất xen trong khu dân cư hiện hữu, nếu rà soát điều chỉnh quy hoạch cục bộ sẽ mất thời gian, do đó nên giao cho quận huyện chủ động quyết định xem xét cho tách thửa và chịu trách nhiệm.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 9 nêu “Quyết định 60 quy định, trường hợp thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất đất nông nghiệp và không thuộc khu vực đất để thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền theo quy định tại Điều 49, Luật Đất đai”.
Trong khi đó Điều 49 Luật Đất đai 2013 lại không quy định quyền tách thửa mà chỉ quy định các quyền chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế… Như vậy, nếu trường hợp người sử dụng đất không lập thủ tục tách thửa mà lập thủ tục chuyển nhượng, tặng cho một phần đất thì có được phép tách thửa hay không và hạn mức như thế nào?
Đại diện UBND quận 9 cũng đề nghị Sở TNMT sớm có văn bản phúc đáp đối với văn bản 854 ngày 27-3-2018 của UBND quận 9 về trường hợp tách thửa đất nông nghiệp thuộc khu vực không phù hợp với sản xuất nông nghiệp. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, việc tách thửa đối với những thửa đất có diện tích lớn cần phải giám sát chặt chẽ về đầu tư hạ tầng, đảm bảo đường giao thông, cây xanh… Ở một số khu vực cần thiết phải lập quy hoạch 1/500.
Đại diện Sở TN-MT TP cho biết, quá trình tách thửa phải đảm bảo quy chuẩn, phù hợp quy hoạch, kết nối với hạ tầng xung quanh, sở không quan tâm việc tách thửa để kinh doanh hay không kinh doanh mà phải đảm bảo điều kiện.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT cho biết, UBND TP rất quan tâm đến vấn đề này, qua ghi nhận người dân cũng rất bức xúc vì thời gian qua còn nhiều khó khăn, hồ sơ chậm được giải quyết. Sở QH-KT và Sở TN-MT sẽ lắng nghe để tiếp tục hoàn chỉnh, vấn đề nào chưa rõ sẽ căn cứ theo chỉ đạo của UBND TP. Trước mắt sẽ tập hợp ý kiến phản ánh từ các quận huyện và đề nghị các địa phương đề xuất giải pháp giải quyết những khó khăn đang tồn tại, sau đó sở sẽ báo cáo UBND TP xem xét giải quyết.