Thảo luận về Dự án luật, nhiều ý kiến nhất trí với các nội dung lớn của Dự án luật như quy định về quản lý không gian ngầm, bổ sung thêm một số quy định liên quan đến nội dung còn chồng lấn, giao thoa giữa quy hoạch.
Các ý kiến cũng tập trung thảo luận phạm vi đối tượng hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch đối với đô thị mới, quy hoạch chung xã, xử lý các trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch đô thị và nông thôn… Các đại biểu cũng cho rằng, về cơ bản dự thảo luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới.
Góp ý về yêu cầu trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị, cần quy định rõ hơn hoặc quy định nguyên tắc về quy hoạch đô thị xanh để làm căn cứ triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Trong đó, nên quan tâm việc bảo đảm tiếp cận phổ cập với không gian công cộng xanh, an toàn và thân thiện cho toàn dân, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật. Đồng thời, cần xem xét thiết kế riêng một điều quy định yêu cầu về văn hóa, xã hội trong quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; nhất là việc bảo đảm các yếu tố về xã hội, văn hóa, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, quy hoạch không gian ngầm không nên chỉ quy định ở các tỉnh thành trực thuộc Trung ương, mà các đô thị lớn khác cũng có thể cần quy hoạch ngầm. Về vấn đề công khai quy hoạch, đây là vấn đề quan trọng, cần phải quy định cụ thể việc công khai quy hoạch để nhân dân được biết. ĐB Hoàng Văn Cường cũng đề nghị quy định cụ thể để bảo đảm quy hoạch không chồng chéo, trùng lắp, nhất là trong vấn đề quy hoạch chung huyện - quy hoạch chung xã.
ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) quan tâm đến vấn đề quy hoạch chung xã. Dự thảo luật đã bổ sung quy định về việc không yêu cầu lập quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà chỉ lập quy hoạch chung xã trong trường hợp xã có đặc thù về quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan; tại thời điểm lập quy hoạch chung huyện, UBND cấp tỉnh xác định các xã cần phải lập quy hoạch chung xã trong nhiệm vụ quy hoạch chung huyện.
Tuy nhiên, ĐB cũng cho rằng, cần có thước đo chung về đặc thù (quy mô dân số, diện tích, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội) để thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, địa bàn tương đồng trên cả nước và tránh việc lợi dụng, lạm dụng làm cản trở đến sự phát triển chung của đất nước.
ĐB Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị, cần quy định rõ hơn quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong phản biện quy hoạch đô thị và nông thôn trước khi phê duyệt. ĐB cho rằng, dự thảo luật không có quy định cho phép các Hội nghề nghiệp được phản biện, gây khó khăn cho việc áp dụng. Trong khi các Hội nghề nghiệp của tỉnh như Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, Hội Kiến trúc sư, Hội Xây dựng… là những Hội nghề nghiệp có chức năng phản biện xã hội, có chuyên môn phù hợp để phản biện. Do đó, nên giao MTTQ Việt Nam đứng ra mời các Hội nghề nghiệp được tham gia phản biện quy hoạch đô thị và nông thôn.
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) lưu ý, chúng ta có hai bản quy hoạch khác nhau là quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, tuy nhiên từ giải thích từ ngữ đến nhiều điều khoản trong dự thảo luật đều quy định quy hoạch đô thị và nông thôn là giống nhau. Do đó, cần xác định rõ bản chất của quy hoạch đô thị là cho khu vực đã là đô thị và dự kiến sẽ phát triển đô thị; quy hoạch nông thôn là cho khu vực nông thôn và trong kỳ quy hoạch đó là nông thôn.
ĐB cũng cho rằng, Bộ Nội vụ cần xem xét lại việc sắp xếp đơn vị hành chính, chỉ khi đạt đúng bản chất đô thị mới là đô thị, không đơn thuần tính theo diện tích và dân số, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương, đặc biệt các thành phố miền núi có xã không mang tính chất đô thị và không thể phát triển đô thị được.
Một số ý kiến đề nghị quy định rõ việc không sử dụng kinh phí tài trợ để thực hiện công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết, vì thực tế cho thấy, có những nhà đầu tư tài trợ kinh phí để lập quy hoạch chi tiết, sau đó quy hoạch có lợi cho nhà đầu tư.