Thời điểm này, khi các trường tất bật với công tác tuyển sinh, xin mở ngành, xác định chỉ tiêu thì Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 01 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng (CĐ) các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học (ĐH), thạc sĩ, tiến sĩ. Điểm dễ nhận thấy nhất là Thông tư 01 có nhiều quy định gần như là kẽ hở để các trường “lách” và tăng chỉ tiêu. Trong khi việc kiểm soát tuyển vượt chỉ tiêu (so với năng lực đào tạo hiện có của các trường), dường như Bộ GD-ĐT không mạnh tay trong những năm gần đây.
Trường, ngành kiểm định được tăng chỉ tiêu
Thực tế cho thấy, Thông tư 01 so với Thông tư 06 vẫn giống nhau về việc các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo 2 tiêu chí: (1) tỷ lệ sinh viên/giảng viên (SV/GV) quy đổi tương ứng với 7 khối ngành, trong đó khối ngành đào tạo giáo viên số lượng SV giảm từ 25 xuống còn 20 SV/GV và hệ số GV có trình độ ĐH chỉ còn 0,3 (mức quy định trước kia là 0,5). Trong khi đó, tỷ lệ SV CĐ, trung cấp sư phạm chính quy trên một GV quy đổi không vượt quá 25; (2) diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một SV chính quy không thấp hơn 2,8m2 (mức quy định trước kia là 2,5m2). Ngoài ra, Thông tư 01 vẫn cho phép các trường được sử dụng GV thỉnh giảng (từ trình độ thạc sĩ trở lên) để tính chỉ tiêu.
Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng về điều kiện xác định chỉ tiêu không có gì thay đổi. Tuy nhiên, đối với tiêu chí thứ 2 rất nhiều trường bị vướng, vì ngay cả mức cũ là 2,5m2 thì cũng rất ít trường đạt được, nay lại tăng lên mà không có lộ trình yêu cầu thì rất khó.
Ở phần quy định về giảng viên, Thông tư 01 bổ sung thêm đối với khối ngành sức khỏe, giảng viên có bằng chuyên khoa cấp II các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính chỉ tiêu như giảng viên có trình độ tiến sĩ; giảng viên có bằng bác sĩ nội trú, bằng chuyên khoa cấp I các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính chỉ tiêu như giảng viên có trình độ thạc sĩ. Đây là bổ sung hợp lý đối với các giảng viên ở các trường đào tạo khối ngành sức khỏe.
Nhiều nội dung bổ sung ở Điều 7 liên quan đến công tác xác định chỉ tiêu của khá nhiều trường: Đối với các ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành theo quy định; đối với ngành đào tạo có chương trình đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định tại Điều 52 Luật Giáo dục ĐH, thì không tuyển vượt quá 120% chỉ tiêu so với năm trước.
Đối với cơ sở giáo dục trong 3 năm liền kề không vi phạm quy định về tuyển sinh, được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành, được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định sau: Ngành chưa có chương trình kiểm định không được tăng chỉ tiêu, hoặc được tăng không quá 10% so với năm trước liền kề, nếu kết quả khảo sát sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ từ 90% trở lên (căn cứ vào kết quả kiểm định và kết quả khảo sát sinh viên có việc làm hàng năm của cơ sở giáo dục); nếu tỷ lệ việc làm trung bình của sinh viên trong một năm kể từ khi tốt nghiệp đạt từ 90% trở lên, có sinh viên bị sàng lọc thì sau khi xác định chỉ tiêu theo điểm a khoản này còn được xác định chỉ tiêu tuyển sinh tăng thêm không quá 25% số trung bình cộng của sinh viên bị sàng lọc trong 4 năm trước liền kề năm tuyển sinh. Nếu cơ sở giáo dục chưa đủ 4 năm có sinh viên tốt nghiệp thì tính số trung bình cộng sinh viên bị sàng lọc của các khóa đã tốt nghiệp.
“Bó tay” với tuyển vượt chỉ tiêu
Mới đây, cuộc tổng kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã làm việc trên hơn 200 trường ĐH về các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ GV, tỷ lệ SV/GV, quy mô SV. Kết quả: Hàng loạt trường GV thiếu chuẩn trầm trọng khi có từ 30% - 64% GV trình độ ĐH (Luật Giáo dục ĐH quy định phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên); rất nhiều trường tỷ lệ SV/GV, diện tích sàn xây dựng thiếu nhiều so với quy định; hàng loạt trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu… Cho nên với Thông tư 01, nhiều ý kiến cho rằng việc tuyển vượt chỉ tiêu so với năng lực đào tạo là điều tiếp tục tái diễn.
Lấy ví dụ một trường ĐH tại TPHCM báo cáo trong đề án tuyển sinh như sau: tổng số học viên, sinh viên ĐH chính quy của trường năm 2018 là 18.873, chỉ tiêu năm 2018 là 4.870 nhưng trúng tuyển đến hơn 11.000 sinh viên. Tuy nhiên, năm 2019 chỉ tiêu lại xin tăng đến hơn 5.000. Trong khi đó, đội ngũ GV có trình độ ĐH lại chiếm đến gần 50%. Một ví dụ điển hình để thấy rằng thực tế có nhiều trường, nhất là trường tư thục và công lập tự chủ, tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu so với năng lực đào tạo là phổ biến, song công tác kiểm soát, thanh tra, kiểm tra của Bộ GD-ĐT lại không phát hiện hoặc không công bố, không xử phạt.
Một nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, những ngành, những trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế hoặc khu vực thì cho tăng chỉ tiêu là hợp lý. Riêng các trường đạt chuẩn kiểm định trong nước thì phải xem lại, vì thực tế công tác kiểm định và công nhận trường A, B, C đạt chuẩn kiểm định là “rất có vấn đề”. Có trường bị đánh rớt nhưng sau đó mời trung tâm khác đến đánh giá thì lại đạt ngay. Còn việc dựa vào tỷ lệ việc làm từ 90% trở lên để cho tăng chỉ tiêu là điều “hết sức buồn cười”, vì thực tế, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm luôn là con số thổi phồng từ các trường. Nếu không cẩn thận, vô tình thông tư lại “vẽ đường cho hươu chạy” và rất khó kiểm soát việc tuyển sinh vượt chỉ tiêu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, bày tỏ lo lắng về việc các trường tận dụng GV thỉnh giảng để tăng chỉ tiêu tuyển sinh, vì hiện nay phần mềm kiểm soát của Bộ GD-ĐT hoàn toàn không thể phát hiện được các trường thực tế có bao nhiêu GV thỉnh giảng. |