Quy định chặt chẽ về kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai

PGS-TS Lưu Quốc Thái, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước trong việc ban hành quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

a15f7701dde17fbf26f0.jpg
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu quan tâm tham dự

Ngày 10-7, Khoa Luật Thương mại Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức Hội thảo “Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và những tác động đến thị trường bất động sản”, thu hút gần 300 chuyên gia, giảng viên, luật sư, công chứng viên, học viên, sinh viên quan tâm tham dự.

Hội thảo bàn về “Điều kiện kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023”. PGS-TS Lưu Quốc Thái, Giảng viên Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM đánh giá, kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai đã chứng minh được những ưu điểm của nó trong thực tiễn. Đó cũng là lý do mà nhiều nước phát triển trên thế giới cho phép thực hiện hình thức kinh doanh này.

Để hạn chế những mặt tiêu cực và đảm bảo an toàn cho khách hàng, Luật kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 đã có nhiều quy định mới để kiểm soát hoạt động mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Chẳng hạn như vấn đề đặt cọc, bảo lãnh, thanh toán hay yêu cầu chủ đầu tư phải giải chấp (nếu có thế chấp dự án, nhà ở hình thành trong tương lai) trước khi giao dịch kinh doanh với khách hàng hoặc trước khi huy động vốn…

Tuy nhiên, một số quy định mới cũng còn gây băn khoăn về việc đảm bảo an toàn cho khách hàng, như vấn đề bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng trở thành điều kiện tự nguyện chứ không phải bắt buộc như trước đây mà chưa có giải pháp thay thế.

Quy định bảo lãnh cũng chỉ đặt ra đối với nhà ở mà không áp dụng đối với công trình xây dựng khác cũng là vấn đề cần xem xét lại. Hoặc quy định bắt chủ đầu tư dự án phải giải chấp phần dự án, nhà ở hình thành trong tương lai đã thế chấp mới được kinh doanh chứ không được thỏa thuận như trước đây cũng có thể làm ảnh hưởng đến môi trường tự do kinh doanh.

Theo PGS-TS Thái, để cho một chính sách tốt về vấn đề này, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc ban hành quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai.

PGS-TS. Hà Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Luật Thương mại cho biết, cùng với Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 là ba đạo luật quan trọng, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường bất động sản, tác động đến việc tiếp cận bất động sản của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, nội dung của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 có nhiều điểm mới tiến bộ, đảm bảo minh bạch thị trường bất động sản và chính sách nhà ở. Việc nghiên cứu chuyên sâu những nội dung của hai đạo luật này và dự báo, đánh giá tác động của chúng đến thị trường bất động sản là hết sức cần thiết.

Tin cùng chuyên mục