Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký chứng thực.
Theo luật, các tổ chức tín dụng được can thiệp sớm (khi lỗ lũy kế hơn 50% vốn điều lệ) và được hỗ trợ bởi một số biện pháp như: thay đổi cách tính số dự phòng rủi ro bằng tối đa số chênh lệch thu - chi trong năm của tổ chức tín dụng. Đồng thời phải thuyết minh chi tiết số dự phòng thực tế và chênh lệch với số tối đa này trong báo cáo tài chính.
Lãnh đạo của các ngân hàng đang gặp khó khăn phải chịu trách nhiệm cho hậu quả và giảm thiểu rủi ro đạo đức trong hệ thống ngân hàng, không sử dụng nguồn lực của Chính phủ hoặc của ngân hàng khác để giải quyết khó khăn. Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo ngăn chặn nguy cơ rút tiền gửi hàng loạt.
Về tình trạng sở hữu chéo, chi phối tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi thời gian qua. Để giảm thiểu tình trạng này, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có các quy định về giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn; giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan so với quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Cụ thể, giới hạn trần sở hữu mới tại một ngân hàng như sau: cá nhân sở hữu tối đa 5% vốn điều lệ (không đổi); tổ chức 10%; cổ đông và người có liên quan 15%; cổ đông lớn và người có liên quan không được sở hữu quá 5% của tổ chức tín dụng khác.
Quy định về hạn chế mới về hạn mức cấp tín dụng sẽ giảm hạn mức tín dụng cho khách hàng và người có liên quan. Tuy nhiên, sự thay đổi sẽ theo lộ trình, diễn ra trong 5 năm.
Về xử lý tài sản đảm bảo (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025), các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản đảm bảo là dự án bất động sản để thu hồi nợ.
Quy định này được đánh giá sẽ giúp các ngân hàng có thêm phương án xử lý các dự án lớn với một phần nhỏ trong đó bị vướng pháp lý, từ đó giúp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản được khơi thông và giảm nợ xấu cho các ngân hàng, đặc biệt nhóm ngân hàng niêm yết có tỷ lệ cho vay bất động sản cao.
Tuy nhiên, trong luật được thông qua lần này đã không đề cập đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng.