Quỹ đất hạn chế, khu thương mại tự do Đà Nẵng không quy hoạch thành khu tổng thể

Ngày 23-7, tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp năm 2024 với chủ đề "Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, do Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng tổ chức, nhiều doanh nghiệp thắc mắc về việc vị trí của cơ sở có thuộc phạm vi khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Khu thương mại tự do Đà Nẵng được thành lập sẽ gắn với Cảng biển Liên Chiểu
Khu thương mại tự do Đà Nẵng được thành lập sẽ gắn với Cảng biển Liên Chiểu

Theo ông Phạm Phong Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng, Quốc hội đồng ý thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu, với mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.

Việc xây dựng khu thương mại với quy mô lớn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị, do nhà máy của đơn vị hiện đóng chân ở quận Liên Chiểu, gần khu vực cảng biển Liên Chiểu đang được hình thành, có thể nằm trong khu quy hoạch để thành lập khu thương mại tự do.

“Nếu khu thương mại tự do đặt ở nơi nhà máy đang đóng chân thì có phải di dời nhà máy hay không? Trường hợp các doanh nghiệp nằm trong vùng làm khu thương mại tự do bị di dời thì có được TP Đà Nẵng hỗ trợ bố trí đất mới hay không?”, ông Thịnh thắc mắc.

Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho rằng, việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do được xem là động lực, hướng đi mới để phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng trong thời gian tới. Tuy nhiên, địa phương còn phải lập đề án, được Chính phủ phê duyệt, do đó, hiện vẫn chưa có ranh giới cụ thể để trả lời doanh nghiệp.

"Quan điểm cá nhân cũng như của những người làm công tác quy hoạch, tôi cho rằng không ai đi lấy một thực thể đã làm ăn ngon lành để triển khai lại một dự án mới bắt đầu trên giấy", ông Hoàng khẳng định.

Theo ông Hoàng, Đà Nẵng khó có đủ diện tích cho một khu tổng thể, dự kiến có từ 3-4 vị trí để triển khai khu thương mại tự do. Hiện nay, địa phương mới dự kiến vị trí gần nhà máy cao su (bên kia sông Cu Đê) là khu logistics và sản xuất; vị trí gần Vành đai phía Tây (sát Khu công nghiệp Hòa Ninh) là khu sản xuất; dọc đường Hoàng Văn Thái sẽ là khu phi thuế quan và một số điểm dọc tuyến Nguyễn Tất Thành.

"Thời gian tới mới xác định được vị trí chính xác", ông Hoàng nói, đồng thời cho hay, trường hợp doanh nghiệp nằm trong khu vực khu thương mại tự do, thì việc đền bù, hỗ trợ di dời sẽ được thực hiện theo Luật Đất đai mới, có hiệu lực từ tháng 8-2024. Việc triển khai cũng đảm bảo không xáo trộn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

z5659518870023_13c633e396e5b5a3002de26132e7afa0.jpg
Ông Trần Văn Hoàng (trái), Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng và ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 136 về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 với thời gian thí điểm 5 năm, kỳ vọng tạo sự đột phát cho TP Đà Nẵng, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thí điểm thành lập khu thương mại tự do.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng được giao quản lý khu thương mại tự do. Để triển khai thí điểm, ban chuẩn bị 30 nội dung liên quan, trong đó có việc xác định vị trí, ranh giới để thành lập khu thương mại tự do.

Tin cùng chuyên mục