Sáng 26-5, tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014 đã quy định về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đưa ra các nguyên tắc xây dựng, yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải...
Tuy nhiên, để bảo đảm việc quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu về BVMT trong quá trình hội nhập, với quan điểm lấy con người làm mục tiêu để bảo vệ, dự thảo Luật được xây dựng hướng tới mục tiêu người dân Việt Nam phải được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Trong đó, dự thảo đã bổ sung nguyên tắc xây dựng và nguyên tắc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đối với chất thải. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với nước thải phải được xây dựng căn cứ vào phân vùng mục tiêu bảo vệ chất lượng môi trường nước; bảo đảm xem xét mục tiêu bảo vệ chất lượng nước từ thượng nguồn đến hạ nguồn của các dòng sông có tính liên tỉnh, liên vùng. Quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải phải được xây dựng căn cứ vào công nghệ, công suất của thiết bị phát sinh khí thải và mục tiêu BVMT không khí khu vực tiếp nhận.
Đáng lưu ý, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương phải được xây dựng theo hướng nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia. Đối với các khu vực không còn khả năng duy trì mục tiêu bảo vệ chất lượng môi trường, khu vực không còn khả năng tiếp nhận chất thải, khu vực môi trường đang bị ô nhiễm, sẽ chỉ chấp thuận tiếp nhận các dự án đầu tư mới không phát sinh nước thải, khí thải hoặc dự án đầu tư mới có phát sinh nước thải, khí thải nhưng nước thải, khí thải sau xử lý phải thấp hơn hoặc bằng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường.
Vẫn theo dự thảo Luật, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương để phù hợp với yêu cầu BVMT đặc thù của địa phương trong thời hạn tối đa 2 năm, sau khi quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia được ban hành. Trường hợp chất lượng môi trường xung quanh không được duy trì và bảo đảm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với quản lý chất thải của địa phương.
Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án luật này trong đợt 2 của kỳ họp thứ 9.