Nhiều ý kiến đồng tình
Ông Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, quan hệ doanh nghiệp và dịch vụ đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM), cho rằng việc giảm điểm ưu tiên khu vực là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề này đã được nêu ra từ lâu nhưng đến nay mới được bổ sung vào dự thảo.
Với hình thức thi trắc nghiệm và cách làm tròn điểm như dự thảo thì từ 0,5 - 1,5 điểm ưu tiên là một khoảng cách lớn, nên việc điều chỉnh đem lại sự hợp lý hơn. Về bỏ điểm sàn thì không còn mới, với cách xét tuyển bằng nhiều hình thức như hiện nay và theo xu hướng tự chủ trong tuyển sinh ĐH thì điểm sàn không còn quan trọng.
Thực ra, cách tiếp cận đánh giá của giáo dục ĐH hiện tại ở nhiều nước được áp dụng theo chuẩn đầu ra nên vấn đề điểm sàn chung là không cần thiết. Tuy nhiên, ở từng trường thì cần phải xác định ngưỡng đầu vào và công khai để thí sinh biết trước khi xét tuyển.
Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tiếp tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng
Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: “Xác định điểm sàn chung cũng có ý nghĩa để một số ít các trường không phá rào, vì hạ thấp chất lượng đầu vào thì chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Tuy nhiên, các trường sẽ phải đưa ra ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) cho trường mình. Trường nào đưa ra mức sàn quá thấp là tự hạ thấp uy tín. Tóm lại, theo tôi, việc bỏ điểm sàn cơ bản không ảnh hưởng đến đa số các trường. Về điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa thí sinh được hưởng chỉ là 0,75 điểm, giảm một nửa so với quy định hiện hành là hợp lý”.
Vẫn còn băn khoăn
Về phương án làm tròn điểm đến 2 chữ số thập phân, ông Phạm Thái Sơn đánh giá là hợp lý hơn trước. Trong thi trắc nghiệm, nếu làm tròn điểm theo kiểu cũ sẽ gây bất công cho thí sinh nhiều hơn, đặc biệt là ở các trường tốp trên.
Với cách làm tròn điểm đến lẻ 2 chữ số, các trường sẽ có thể không cần thêm điều kiện phụ để xét tuyển thí sinh. Tuy nhiên, do khoảng cách điểm nhỏ lại nên các trường cũng sẽ có khó khăn trong việc định điểm chuẩn cho các ngành, để đảm bảo có sự chính xác tương đối về chỉ tiêu.
Ngoài ra, do tâm lý về khoảng điểm lâu nay đã tồn tại nên thí sinh cũng cần xem xét kỹ thông tin để đảm bảo cơ hội trúng tuyển vào các ngành phù hợp, vì chỉ cần hơn thua 0,01 điểm có thể sẽ là đậu hoặc rớt.
Th.S Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, phân tích: “Giảm 50% điểm ưu tiên khu vực là quyết định hợp lý, nhưng cần nên xem xét bỏ luôn điểm ưu tiên này. Theo tôi, điểm ưu tiên đối tượng (thí sinh người dân tộc thiểu số, chính sách…) là phù hợp. Còn về khu vực, hiện nay cả nước chỉ có tỉnh Đắk Nông là chưa có trường ĐH và CĐ. Do đó, nếu thí sinh ở các tỉnh vào ĐH tỉnh nhà thì được ưu tiên để giải quyết bài toán nhân lực cho địa phương. Còn những thí sinh nào muốn đăng ký vào những trường ĐH ở các TP lớn thì phải bình đẳng như các thí sinh khác để cạnh tranh”.
Liên quan đến khối ngành sư phạm, PGS-TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho biết: “Việc khối ngành sư phạm sẽ có mức điểm sàn riêng cùng với điều kiện là học sinh phải có kết quả 3 năm THPT là giỏi (bậc học ĐH) và khá (bậc học CĐ) thật sự chưa hợp lý”.
Ông Sơn phân tích, dù chủ đích của Bộ GD-ĐT là muốn chọn người giỏi cho ngành sư phạm, nhưng giải pháp trên mới chỉ ở phần ngọn. Nếu muốn thu hút người giỏi để đào tạo ra một chiếc “máy cái” tốt cho tương lai bằng ngân sách nhà nước bao cấp mà ra trường lại không có việc làm, phải bỏ tiền để xin việc, thì có cho không cũng không có người học. Do đó, cần phải có giải pháp đồng bộ mới có thể giải quyết được bài toán lớn này.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết ban soạn thảo đang gấp rút hoàn chỉnh dự thảo, bổ sung các ý kiến đóng góp. Phần lớn những ý kiến đóng góp gửi về Bộ GD-ĐT đều tập trung vào 4 nội dung thay đổi lớn: Bỏ điểm sàn; Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn cho khối ngành sư phạm; giảm 50% điểm ưu tiên khu vực; làm tròn điểm đến 2 chữ số thập phân.
Dự kiến, Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ sư phạm năm 2018 sẽ công bố trước ngày 15-3.