Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Chú trọng đánh giá năng lực người học

Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành với nhiều điểm đổi mới, là một sự khẳng định mạnh mẽ đối với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Dù nhận được sự đồng thuận cao của dư luận xã hội nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra để kỳ thi thật sự phát huy hiệu quả.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương

Ngay sau khi quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được công bố, các trường THPT tại Hà Nội đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm truyền đạt thông tin cho phụ huynh, học sinh.

“Học sinh đang tham gia kỳ thi kiểm tra cuối học kỳ 1. Nhà trường phổ biến kỹ quy chế thi tốt nghiệp THPT để các em nỗ lực đạt kết quả tốt, đồng thời có kế hoạch học tập phù hợp trong học kỳ 2, vì điểm học bạ của lớp 12 chiếm trọng số cao nhất trong 3 năm học khi tính điểm tốt nghiệp”, hiệu trưởng một trường THPT ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết.

Thời gian qua, các trường đã tổ chức dạy học, ôn tập, ra đề thi kiểm tra tiệm cận với đề thi minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại điểm học bạ chiếm đến 50% điểm xét tốt nghiệp sẽ dẫn đến cuộc chạy đua “làm đẹp học bạ” giữa các trường THPT, tạo ra sự không công bằng cho học sinh.

Do đó, để quy chế thi tốt nghiệp THPT phát huy hiệu quả, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương trong việc kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tổ chức dạy và học ở các trường học.

Z1g.jpg
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TPHCM. Ảnh: THU TÂM

Ở góc độ khác, quy định thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu được sử dụng để miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng không được quy đổi thành 10 điểm khi xét công nhận tốt nghiệp như trước đây khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

“Thay vì quy định cứng không được quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành 10 điểm khi xét công nhận tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT nên tính toán chứng chỉ IELTS từ bao nhiêu điểm đến bao nhiêu điểm sẽ được quy ra thang điểm 10 để thí sinh vừa sử dụng xét tốt nghiệp THPT, vừa dùng xét tuyển đại học để tiếp tục khuyến khích các em học và thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ”, chị Trần Thanh Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nêu ý kiến.

Theo một số hiệu trưởng trường THPT tại TPHCM, quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không quy định tiếng Anh là môn thi bắt buộc mà thuộc nhóm các môn lựa chọn trong bài thi tự chọn. Tuy nhiên, với thế mạnh về dạy và học ngoại ngữ nhiều năm qua của các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, tỷ lệ học sinh chọn tiếng Anh trong bài thi tự chọn được dự đoán vẫn chiếm áp đảo so với các môn học còn lại để lấy kết quả xét tuyển đại học.

“Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã phân cấp trách nhiệm cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Về lâu dài, nhằm tiếp tục nâng cao trách nhiệm và tính chủ động của các địa phương trong công tác tổ chức, cần thí điểm cơ chế đặc thù cho một số địa phương thực hiện toàn bộ các khâu tổ chức cũng như xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa bàn quản lý”, một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM đề xuất.

Cần làm quen cấu trúc đề thi

Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước.

Trong đó, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bao gồm nhiều câu hỏi xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Z2a.jpg
Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TPHCM. Ảnh: THU TÂM

Theo GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đề thi sẽ thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học, tăng tính phân hóa của đề thi, được thể hiện qua các định dạng mới như câu hỏi chọn đáp án đúng/sai hoặc yêu cầu trả lời ngắn.

Đặc biệt, đề thi phân bố tỷ lệ câu hỏi ở 3 cấp độ tư duy gồm: biết, hiểu, vận dụng theo tỷ lệ 4:3:3. Như vậy, tỷ lệ biết và hiểu chiếm 70% bài thi nhằm mục đích xét tốt nghiệp, trong khi đó tỷ lệ hiểu và vận dụng chiếm 60% có tác dụng phân hóa phục vụ mục đích tuyển sinh.

Một điểm mới đáng chú ý ở môn Ngữ văn là đề thi có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc.

Thí sinh cần thực hiện theo đúng kế hoạch dạy và học của nhà trường, hoàn thành toàn bộ chương trình và kiến thức lớp 12, hiểu rõ mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là không chỉ trang bị kiến thức mà còn phát triển năng lực và phẩm chất, từ đó vận dụng kiến thức vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT lưu ý, học sinh cần làm quen với cấu trúc định dạng đề thi mới, đồng thời luyện tập thường xuyên để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, từ đó có kế hoạch ôn tập, cải thiện hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục