Chưa sử dụng hết ngân sách
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết, hàng năm, TPHCM đều dành ngân sách 2% cho hoạt động KH-CN nhưng hiện nay chưa sử dụng hết. Một trong những nguyên nhân là một số sở, ban ngành và quận, huyện… chưa thật sự quan tâm tới việc xây dựng mục tiêu, kế hoạch để đưa KH-CN vào giải quyết những vấn đề trong đơn vị mình. Giai đoạn 2020-2022, có 165 nhiệm vụ KH-CN cấp thành phố đăng ký thực hiện, trong đó số lượng nhiệm vụ các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học y, dược và khoa học xã hội có xu hướng tăng.
Nổi bật là các nghiên cứu về vật liệu nano, cơ khí, hóa chất, đào tạo nhân lực quốc tế, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế, phát triển thuốc điều trị bệnh, xây dựng các nền tảng số…Tổng kinh phí chi cho 165 nhiệm vụ KH-CN nói trên là 351,35 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ nguồn ngân sách thành phố là 318,3 tỷ đồng (chiếm 90,6% tổng kinh phí). Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, kinh phí cho đề tài có thể được bổ sung từ nguồn vốn của tổ chức chủ trì nhiệm vụ, từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp hoặc các tổ chức khác…
Doanh nghiệp KH-CN tham gia Techmart Công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và nông nghiệp công nghệ cao năm 2023 |
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Quy chế 35 được ban hành với nhiều điểm thuận lợi hơn trước, do đó việc các đơn vị đặt hàng nhiệm vụ KH-CN cũng trở nên dễ dàng hơn. Các sở, ban ngành, quận huyện cần mạnh dạn trao đổi, phối hợp với Sở KH-CN để cùng xác định bài toán chuẩn, tìm lời giải chi tiết cho từng nhiệm vụ KH-CN, từ đó đặt hàng nghiên cứu với các trường, viện…
Khuyến khích các đơn vị tham gia
Bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng, Phó trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở KH-CN TPHCM) cho biết, Quy chế 35 có một số nội dung cần lưu ý là yêu cầu đối với việc thực hiện nhiệm vụ; hội đồng tư vấn KH-CN; tổ thẩm định kinh phí thực hiện nhiệm vụ; tổ chức quản lý nhiệm vụ; tổ chức thực hiện; nguyên tắc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ; giao trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập KH-CN của thành phố thực hiện nhiệm vụ
. Quy chế 35 quy định cấp tối đa đến 100% tổng kinh phí cho các nhiệm vụ thuộc danh mục theo thông báo của Sở KH-CN hoặc nhiệm vụ được xét giao trực tiếp theo quy định. Các nhiệm vụ khác được hội đồng đánh giá đạt từ 80/100 điểm trở lên và có sản phẩm phục vụ cho khu vực công, cộng đồng người dân nhóm doanh nghiệp TPHCM hay sản phẩm mang tính đột phá cũng sẽ được cấp 100% kinh phí.
“Trước đây, yêu cầu báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH-CN 6 tháng 1 lần, trường hợp nhiệm vụ có thời gian thực hiện dưới 12 tháng hoặc kinh phí dưới 150 triệu đồng sẽ không cần thực hiện giám định. Nhưng với Quy chế 35, các nhà khoa học phải báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ 3 tháng 1 lần và thực hiện giám định đối với tất cả nhiệm vụ, trừ trường hợp đặc biệt do Giám đốc Sở KH-CN quyết định”, bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng chia sẻ.
Phó Giám đốc phụ trách điều hành Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC) Phan Thị Thùy Ly nhận định, so với các quy chế trước, Quy chế 35 mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức KH-CN, đặc biệt với doanh nghiệp muốn thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Trong thực hiện nhiệm vụ KH-CN, quy định của quy chế mới xác định rõ vai trò, trách nhiệm các thành phần tham gia vào nhiệm vụ, có quy trình cho những mức chi rất cụ thể… là một trong những thuận tiện mà quy chế mới mang lại, qua đó sẽ khuyến khích các đơn vị tham gia vào nhiệm vụ KH-CN nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Dũng lưu ý, các nhiệm vụ KH-CN theo Quy chế 35 sẽ thực hiện theo một số định hướng lớn mà TPHCM đang đặt làm trọng tâm và có sự ưu tiên như đề án xây dựng đô thị thông minh, kế hoạch thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công, các chương trình chuyển đổi số… Các nhiệm vụ KH-CN sau khi được đặt hàng thành công và giao cho các đơn vị nghiên cứu thì khi nghiệm thu, đề tài, nhiệm vụ đó phải giải quyết được những vấn đề cụ thể mà chính đơn vị đặt hàng đặt ra.
Nhiệm vụ trọng tâm của phát triển KH-CN TPHCM đến năm 2025 với tỷ trọng đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đạt trên 45%, chi đầu tư cho KH-CN của xã hội đạt 1%/GRDP; tỷ lệ ứng dụng kết quả sau nghiệm thu của nhiệm vụ KH-CN đạt trên 70%; ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp đạt 60%; tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt 50% so với cả nước. Với định hướng phát triển nghiên cứu KH-CN, nâng cao tiềm lực KH-CN trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025, Sở KH-CN TPHCM đã và đang mời gọi nhà khoa học tham gia các đề tài, dự án phục vụ đô thị thông minh và chuyển đổi số; công nghệ công nghiệp; bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp công nghệ cao; quản lý và phát triển đô thị…