Theo quy chế mới, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trên các tạp chí trong danh mục ISI/Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, tiêu chuẩn ngoại ngữ… So với quy chế cũ, có chuyên gia cho rằng quy chế mới là bước thụt lùi với ngành khoa học tự nhiên và công nghệ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy chế mới phù hợp hơn với thực tế đào tạo tiến sĩ của Việt Nam.
So sánh với Thông tư 08, Thông tư 18 về đào tạo tiến sĩ có nhiều điểm mới thu hút sự quan tâm của các cơ sở đào tạo, chuyên gia cũng như nghiên cứu sinh (NCS).
Thứ nhất, theo Thông tư 08, NCS cần công bố tối thiểu 2 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus, hoặc đã công bố tối thiểu 2 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, hoặc 2 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. Theo Thông tư 18, các bài báo, báo cáo khoa học xuất bản trong danh mục WoS/Scopus vẫn là yêu cầu để minh chứng cho kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học của NCS. Tuy nhiên, Thông tư 18 bổ sung việc chấp nhận sách chuyên khảo, công bố tại các tạp chí trong nước có chất lượng tốt theo khung tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Giáo sư Nhà nước - HĐGSNN (0,75 điểm trở lên). Cách tính điểm sẽ căn cứ khung điểm tối đa của HĐGSNN quy định, với tổng điểm đối với người đủ điều kiện hướng dẫn NCS là 4,0 và đối với đầu ra của NCS là 2,0.
Về ngoại ngữ, Thông tư 18 bổ sung minh chứng về trình độ ngoại ngữ. Theo đó, minh chứng sử dụng các chứng chỉ quốc gia theo khung ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bên cạnh những chứng chỉ được quốc tế công nhận như IELTS, TOEFL theo quy định trước đây. Thông tư 18 cũng điều chỉnh tăng số lượng NCS được hướng dẫn trong cùng một thời gian cụ thể.
Về thời gian đào tạo tiến sĩ, Thông tư 18 được thay đổi so với trước để đáp ứng yêu cầu đào tạo của thực tiễn. Theo đó, tổng thời gian đào tạo tiêu chuẩn từ 3-4 năm. Tổng thời gian học tập nghiên cứu trước khi trình hồ sơ thực hiện quy trình phản biện độc lập và bảo vệ cấp cơ sở là 6 năm. Thời hạn để hoàn thiện các thủ tục bảo vệ luận án ở cơ sở sau thời gian này từ 6 tháng đến 1 năm tùy tình hình thực tế do cơ sở đào tạo quyết định. Trong khi đó, theo Thông tư 08, NCS không có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo đúng hạn chỉ được xin gia hạn học tập không quá 24 tháng (2 năm). Nếu hết thời gian gia hạn, luận án của NCS không được thông qua, kết quả học tập sẽ không được bảo lưu…
Nên quy định riêng từng loại hình đào tạo tiến sĩ
Theo nhiều cơ sở đào tạo, quy chế mới về đào tạo tiến sĩ đã trao quyền tự chủ hơn cho các cơ sở đào tạo bằng việc giảm thiểu những nội dung hướng dẫn chi tiết mà tập trung vào yêu cầu cơ sở đào tạo cụ thể hóa quy trình và thủ tục. Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm cao hơn về việc tổ chức triển khai thực hiện, từ xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh và công nhận NCS, tổ chức đào tạo và cấp bằng.
Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH công lập tự chủ tại TPHCM cho rằng: Đối với tiêu chuẩn đánh giá luận án, việc chấp nhận các công bố trên tạp chí trong nước có chất lượng tốt (đạt khung từ 0,75 điểm trở lên) sẽ là động lực để các tạp chí khoa học trong nước phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, việc này cũng hạn chế việc NCS đăng tải công trình nghiên cứu trên một số tạp chí hay hội thảo quốc tế kém chất lượng, quy trình phản biện sơ sài như thời gian vừa qua. Quy chế mới đánh giá các công trình trên cơ sở tổng điểm tương tự như khung quy chế của HĐGSNN sẽ tạo sự chủ động, bám sát chất lượng công bố kết quả nghiên cứu của NCS.
TS Lê Văn Út, Trưởng nhóm Nghiên cứu trắc lượng thông tin Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng: Cần làm rõ hơn quy định tạp chí nước ngoài, tạp chí trong nước. Hiện nay Việt Nam đã có những tạp chí được xuất bản bằng tiếng Anh, thu hút công trình toàn cầu; có những tạp chí đã được công nhận trên thế giới qua việc được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus. Những tạp chí này được xếp vào tạp chí trong nước nhưng thực chất là tạp chí quốc tế (đã được công nhận). “Nếu cần phân biệt rõ hơn thì Bộ GD-ĐT nên chia nhóm: tạp chí quốc tế gồm những tạp chí nước ngoài có uy tín (được liệt kê vào danh mục ISI/Scopus hay được xuất bản bởi những tổ chức uy tín) và có nhiều tạp chí của Việt Nam đã đạt chuẩn này. Tạp chí không quốc tế (hay tạp chí quốc gia, được tính điểm) gồm các tạp chí xuất bản bằng tiếng Việt”, TS Lê Văn Út nhấn mạnh.
Với cái nhìn độc lập, TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn đổi mới giáo dục quốc gia giai đoạn 2016-2021, cho rằng: Nhìn vào quy định về công bố quốc tế và chuẩn ngoại ngữ dễ đánh giá Thông tư 18 hạ chuẩn hay bước thụt lùi về đào tạo tiến sĩ hiện nay. Theo tôi, chất lượng của luận án tiến sĩ mới là điều đáng quan tâm nhất. Nếu đào tạo tiến sĩ có thể làm việc ở các trường ĐH, viện nghiên cứu khoa học sẽ đòi hỏi nhiều hơn về sáng tạo tri thức, phương pháp, công nghệ mới để có thể nhân rộng, truyền bá cho thế hệ sau. Vì thế việc công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí uy tín, phản biện nghiêm túc mang tính chuyên ngành sẽ là cần thiết.
“Tuy nhiên, nếu NCS mang tính nghiên cứu chuyên nghiệp gắn với thực tế nghề nghiệp thì cách tiếp cận có thể khác về mục đích, nội dung chương trình… Việc nhất quyết phải có công bố quốc tế trên những tạp chí uy tín chưa hẳn phản ánh tin cậy khả năng nghiên cứu thật của NCS. Vì thế mỗi lĩnh vực chuyên môn, mỗi loại hình đào tạo TS nên có quy định cụ thể hơn”, TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng định.
“Theo tôi, nếu đội ngũ giáo viên hướng dẫn có năng lực, trách nhiệm với nền khoa học nước nhà thì không nên xuề xòa dễ tính với NCS của mình. Người hướng dẫn có năng lực là người hiểu rõ nhất NCS của mình về khả năng nghiên cứu cũng như năng lực ngoại ngữ. Do đó, tôi không nặng nề về việc phải có chứng chỉ ngoại ngữ mà quan trọng là NCS sử dụng ngoại ngữ đó như thế nào để có sản phẩm đầu ra chấp nhận được”, TS Hoàng Ngọc Vinh nói thêm. |