Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, tình trạng “đóng băng” quỹ này không phải mới bắt đầu mà từ tháng 10-2023. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, giá cả có thể biến động trước sức ép của lạm phát, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất tăng.
Tại kỳ điều hành vào ngày 11-7 vừa qua, giá các mặt hàng xăng dầu đã giảm trở lại sau 4 kỳ tăng liên tiếp, nhưng mức giảm rất nhỏ. Trong khi dự báo giá xăng dầu thế giới có thể tăng trở lại. Nếu giá xăng quay trở lại mức 25.000 đồng/lít thì sẽ tạo áp lực không nhỏ cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bởi giá của nhiều mặt hàng, dịch vụ đã “âm thầm” tăng suốt nhiều tháng qua.
Cùng với chính sách tăng lương được áp dụng từ ngày 1-7, việc giá xăng dầu tăng cao có thể tạo ra hiệu ứng “té nước theo mưa” của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác. Vì vậy, nếu cơ quan điều hành tiếp tục để Quỹ Bình ổn giá xăng dầu “án binh bất động” suốt thời gian dài, sẽ khiến nhiều người tiêu dùng đặt câu hỏi: Có nên tiếp tục duy trì quỹ này nữa hay không?
Trong báo cáo tháng mới đây, Bộ Công thương đã đề cập đến vấn đề nên hay không nên giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Còn dư luận xã hội thì từ lâu nay đã và đang tiếp tục cho rằng, quỹ này không thể hiện được vai trò hỗ trợ bình ổn giá, nên sớm xóa bỏ. Bởi qua quá trình vận hành, quỹ đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Chẳng hạn như những lúc giá xăng dầu thế giới tăng cao thì quỹ lại bị âm.
Rủi ro nhất là chính sách hiện nay cho phép để quỹ tại các doanh nghiệp đầu mối (tiền quỹ được tính vào giá bán lẻ xăng dầu, doanh nghiệp được trích giữ lại mà không phải nộp về quỹ chung do Nhà nước giữ), dẫn đến tình trạng tiền bị doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chiếm dụng, thậm chí còn sử dụng sai mục đích. Ở một số thời điểm hoặc giai đoạn, quỹ còn được sử dụng để bù chéo giữa giá xăng và dầu, trong khi khách hàng của 2 loại nhiên liệu này khác nhau.
Thông tin mới nhất từ Bộ Công thương, trong dự thảo lần 3 Nghị định về kinh doanh xăng dầu (thay thế cho 3 nghị định hiện hành), gửi Bộ Tư pháp để thẩm định, Bộ Công thương đã đề xuất cơ chế quản lý số dư quỹ này sẽ không để tại doanh nghiệp như hiện nay, mà sẽ do Nhà nước nắm giữ. Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng, giải pháp này vẫn chưa đủ hóa giải những bất cập của quỹ này. Nếu thời gian tới, quỹ vẫn không thể hiện được vai trò bình ổn thì nên mạnh tay xóa bỏ.