Giải trình trước Quốc hội chiều 1-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bệnh nhân SXH năm nay tăng 46% so với 2016, tập trung đông nhất ở Hà Nội. Công tác chống dịch kéo dài, ngành y tế cũng nhận trách nhiệm trong đó.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân là do biến đổi khí hậu phức tạp hơn; công tác vệ sinh trong dân cư chưa thực sự tốt, phòng chống muỗi rất khó khăn. Chưa bao giờ ngành y tế cũng như chính quyền địa phương Hà Nội đã phải đến tận nơi để phun thuốc diệt muỗi nhiều như thế. Đến nay dịch đã giảm hẳn, Hà Nội đã khống khế thành công dịch SXH.
“Phải thừa nhận là dịch SXH năm nay kéo dài hơn, dịch bệnh ngày càng phức tạp, nhưng ngành y tế cũng đã rút kinh nghiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua bội chi BHYT tăng, có tỉnh tăng hàng ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bội chi là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ tháng 3-2016, giúp đảm bảo quyền lợi cho người bệnh khám chữa bệnh BHYT.
Trước đây một số chi phí chưa được tính vào giá nên người bệnh phải trả thêm. Bên cạnh đó là do áp dụng chính sách thông tuyến huyện, người bệnh có cơ hội tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh thuận tiện hơn, thủ tục hành chính giảm đi nhiều. Cùng với đó, kỹ thuật mới được ứng dụng, chuyển giao từ tuyến trên xuống tận tuyến huyện, người dân dễ dàng tiếp cận hơn mà không phải đi lại xa. Do đó chi phí khám chữa bệnh BHYT tăng cao.
Tuy nhiên, năm nay dự kiến quỹ BHYT bội chi trên 10.000 tỷ đồng, tức là quỹ sẽ chỉ còn dư trong khoảng 2-3 năm nữa.
Giải pháp để bảo đảm ổn định quỹ BHYT theo Bộ trưởng là kiểm soát để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kỹ thuật y tế, ngăn chặn trục lợi y tế. Ngành y tế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm việc trục lợi y tế. “Vấn đề của ngành y tế là làm sao để chi chăm sóc y tế cho người dân tốt hơn mà vẫn không bị vỡ quỹ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.