Quý 4, Bộ GD-ĐT sẽ thông tin rộng rãi về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Sáng 19-8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu tỉnh/thành. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị ở đầu cầu Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Bộ GD-ĐT cho biết, với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT”, năm học 2023-2024, ngành giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra.

Theo báo cáo của bộ, năm học 2023-2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông (giảm 176 cơ sở so với năm học 2022-2023, trong đó tiểu học giảm 200 trường, THCS giảm 8 trường, THPT tăng 32 trường so với năm học 2022-2023).

Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi - điều hành Hội nghị..jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị

Tổng số học sinh cả nước là trên 18,4 triệu (giảm 336.049 học sinh so với năm học 2022- 2023), trong đó cấp tiểu học là trên 8,9 triệu học sinh, giảm 313.518 học sinh; cấp THCS là hơn 6,5 triệu học sinh, tăng 472.852 học sinh. Số học sinh khối lớp 10 THPT trong năm học 2023-2024 tăng 13.077 học sinh so với năm học 2022 - 2023.

Về đội ngũ giáo viên, năm học 2023-2024 (tính đến tháng 4), các địa phương đã tuyển dụng được 19.474 giáo viên trong tổng số 27.826 biên chế được bổ sung. Đến nay, đội ngũ nhà giáo đã được phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu.

Tính đến hết năm học 2023-2024, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là hơn 1,2 triệu giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 17.253 giáo viên so với năm học 2022-2023) và 99.412 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (giảm 723 cán bộ quản lý so với năm học 2022-2023).

Tuy nhiên, tình trạng thiếu giáo viên cục bộ vẫn còn tồn tại hầu hết các địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) chậm được khắc phục, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện chương trình và kế hoạch dạy học. Cụ thể, tính đến tháng 4, cả nước còn thiếu 113.491 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông (hiện còn khoảng 72.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị..jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị

Mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Số phòng học chưa được kiên cố hóa vẫn còn cao (cả nước còn khoảng 15,5% số phòng học chưa được kiên cố hóa), tập trung chủ yếu ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tỷ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp (mới chỉ đạt 50,63%).

Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội không có sức hút đối với người học.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, với tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật” và phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023-2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, rất tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội.

Toàn ngành đã nỗ lực đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa GD-ĐT Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Quá trình triển khai 12 tháng qua đã đạt được hầu hết mục tiêu, kế hoạch; là một năm gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành.

Năm học 2024-2025 là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chủ đề năm học 2024-2025 được ngành giáo dục xác định là “kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định về việc quy định cấu trúc định dạng đề thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; tổ chức nhiều đợt tập huấn toàn quốc cho các chuyên gia, giảng viên, giáo viên cốt cán xây dựng ngân hàng câu hỏi thi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Dự kiến quý 4 sẽ đăng tải rộng rãi để thí sinh và người dân nắm rõ thông tin.

Tin cùng chuyên mục