Tại cuộc họp, các đại biểu đồng thuận cao việc thành lập các đoàn đánh giá bão số 4 để hỗ trợ các hoạt động tái thiết sau thiên tai; kích hoạt sớm các hoạt động cứu trợ người dân tại các địa phương dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 4; sẵn sàng tham gia đoàn khảo sát đánh giá nhanh bão số 4, đồng thời tích cực hỗ trợ các hoạt động phòng chống, ứng phó, tái thiết thiên tai.
Các đại biểu cho rằng, hành động sớm sẽ góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho các hộ gia đình dễ bị tổn thương tại các khu vực ngập, lụt bằng việc giúp người dân dự trữ lương thực và các vật dụng quan trọng để dùng trong thời gian xảy ra mưa bão, lũ lụt.
Các hành động hỗ trợ sớm được đề xuất lựa chọn gồm: cung cấp thùng nhựa kín để cất trữ lương thực, thực phẩm, hạt giống và các tài sản quan trọng; cung cấp tiền mặt đa mục đích giúp người dân mua sắm dự trữ lương thực, thực phẩm và vật dụng thiết yếu ứng phó với bão và mưa lũ sau bão…
Ông Lý Phát Việt Linh, chuyên gia thiên tai của Quỹ Nhi đồng thuộc Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF) và ông Dương Văn Hùng, chuyên gia thiên tai của Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, hàng hóa dự trữ đã có, nhưng cần có số liệu dự báo ước khoảng bao nhiêu người dân bị ảnh hưởng để tập trung hỗ trợ.
“Nhà cửa và các vật dụng thiết yếu trong gia đình thường thiệt hại rất lớn. UNDP sẽ quan tâm tới “nhóm nhà ở” và sẽ tổ chức ngay cuộc họp, tập huấn cho các cán bộ nắm được thông tin cơ bản để xác minh các thông tin, từ đó hỗ trợ kịp thời”, ông Dương Văn Hùng nêu ý kiến.
Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Chánh văn phòng Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, cho biết, bão số 4 được dự báo ảnh hưởng tới khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, nên dự kiến sẽ thành lập 3 đoàn công tác đi đánh giá nhanh tại các địa phương này để kịp thời có các hoạt động cứu trợ người dân vùng thiên tai. Sau khi đánh giá, các đoàn sẽ tổng hợp báo cáo, gửi Tổng cục Phòng chống thiên tai, đồng thời ra quyết định kích hoạt hoạt động cứu trợ.
Về tình trạng nhiều sân bay trong vùng bão đổ bộ sẽ đóng cửa, bà Đoàn Thị Tuyết Nga cho biết: “Sáng mai, 28-9, các đối tác quốc tế tham gia đoàn thực tế có thể đến Việt Nam qua các sân bay mà hiện nay không bị đóng cửa như Sân bay Nội Bài (Hà Nội) hoặc Sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) và sẽ gia nhập cùng với đoàn công tác do Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức”.
Với tư cách là Chủ tịch của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á khẳng định, có rất nhiều cơ quan, tổ chức đã có kinh nghiệm ứng phó với nhiều loại hình thiên tai xảy ra trước đây. Khi kích hoạt hành động sớm, chúng ta có thể tiết kiệm được nguồn lực sẵn có và giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra.