Ì ạch, chật vật men theo quốc lộ Nam Sông Hậu từ Bạc Liêu về Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) để vận chuyển trái cây, tài xế Mai Chung Kiên (ngụ huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, tuyến đường này xuống cấp, hư hỏng nặng mấy năm nay, xe di chuyển rất khó khăn, mất an toàn. "Ở nhiều đoạn, ngành giao thông cho phép phương tiện chạy 80km/giờ, nhưng tôi chỉ dám chạy 40km/giờ vì đường hẹp lại quá nhiều ổ gà. Do vậy mà thời gian di chuyển kéo dài gần gấp đôi, lại hao tốn nhiều nhiên liệu hơn", anh Kiên ngán ngẫm nói.
Quốc lộ Nam Sông Hậu đoạn từ ngã 5 cầu Cần Thơ (quận Cái Răng, TP Cần Thơ đến TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) có tổng chiều dài hơn 141km, chính thức thông xe toàn tuyến từ năm 2011. Qua hơn 12 năm khai thác, tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng thường xuyên bị ngập nước, mặt đường bong tróc tạo thành nhiều ổ gà, ổ voi, mặt đường gồ ghề, rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Mặt đường bong tróc làm hạn chế tốc độ di chuyển và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông |
Chứng kiến nhiều vụ va quẹt, tai nạn giao thông ngay trước nhà, bà Trần Diễm Trang (ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) ám ảnh, cho biết: "Cách nay mấy hôm, chỉ trong một ngày, tôi chứng kiến có đến 3 vụ tai nạn, va chạm giao thông trên đường này. Nguyên nhân là do xe tránh né ổ gà, chỗ hư hỏng rồi va quẹt nhau té ngã, nhẹ thì trầy xước, nặng hơn thì gãy tay, gãy chân phải cấp cứu. Tội nhất là mấy em học sinh và các tài xế đi vào ban đêm... bị tai nạn hoài".
Tuyến Nam Sông Hậu có nhiều điểm gờ, mô cao bất thường trên mặt đường làm tài xế dễ mất lái khi di chuyển với tốc độ cao |
Mặt đường nát như tương trên tuyến Nam Sông Hậu |
Từng chứng kiến xe tải sụp "hố voi", tài xế mất lái suýt lao xe vào nhà mình, bà Lý Thị Giang Thảo (ngụ thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) ám ảnh và sợ hãi. "Bà con ở đây nhiều lần phản ánh, kêu cứu chính quyền địa phương có phương án nâng cấp quốc lộ, tránh nguy hiểm cho phương tiện lưu thông và dân sống hai bên đường nhưng không có kết quả. Để tránh nguy hiểm, gia đình tôi tự bỏ tiền mua xi măng vá đường", bà Thảo cho hay.
Ghi nhận thực tế của PV Báo SGGP cho thấy, dù ban ngày hay ban đêm, tuyến Nam Sông Hậu đều có lưu lượng phương tiện đi lại rất đông. Đặc biệt, có rất nhiều xe tải, container vận chuyển hàng thuỷ sản, trái cây đi các tỉnh Đông Nam bộ và cả nước. Tuy nhiên, phần lớn tuyến đường này không được đầu tư đèn đường chiếu sáng. Do đó, từ việc đường xuống cấp, hẹp (có đoạn chỉ rộng khoảng 6m), cộng thêm không có hệ thống chiếu sáng, lượng phương tiện lưu thông lớn khiến tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Những ổ gà, ổ voi khiến tài xế rất khó điều khiển phương tiện vào ban đêm |
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Thời gian gần đây, do vào cao điểm mùa mưa nên quốc lộ Nam Sông Hậu xuất hiện nhiều vị trí xuống cấp. Các đơn vị liên tục triển khai công tác sửa chữa, dặm vá đường, tuy nhiên do mưa nhiều gây ảnh hưởng đến tiến độ. Trong khi chờ dự án nâng cấp, cải tạo (dự kiến được triển khai vào năm 2024), Khu quản lý đường bộ IV đang tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại trên tuyến đường.