Quốc lộ 1A qua TP Lạng Sơn - đường lên cửa khẩu biến thành sông

Sau một trận mưa như trút, Quốc lộ 1A qua tỉnh Lạng Sơn (huyết mạch chính dẫn lên cửa khẩu) và nhiều khu vực ở trung tâm TP Lạng Sơn cùng biến thành sông, xe cộ dò dẫm di chuyển...

IMG_1210.jpeg
Trung tâm TP Lạng Sơn ngập nước mưa chiều 30-7

Từ trưa đến chiều 30-7, vùng mưa đã di chuyển và lan rộng ra nhiều nơi ở khu vực Đông Bắc bộ như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn...

Trong đó, mưa to như trút đã làm TP Lạng Sơn và huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) bị ngập như sông ở nhiều khu vực.

IMG_1220.jpeg
Người dân ở huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) lội qua dòng nước mưa ngập ngang người để về nhà cứu đồ đạc chiều 30-7

Từ đầu giờ chiều, hàng loạt tuyến đường, tuyến phố, khu dân cư ở trung tâm TP Lạng Sơn như Phú Lộc, Ngô Quyền, Hùng Vương, ngã tư Mỹ Sơn, ngõ 2 đường Bà Triệu… ngập trắng nước do nước mưa không tiêu thoát kịp ra sông Kỳ Cùng.

IMG_1211.jpeg
Sau cơn mưa như trút, TP Lạng Sơn tràn nước, có 8 khu vực ngập nặng nhất

Hầu hết các nhà dân ở khu vực ngã tư và cầu chui Mỹ Sơn (phường Vĩnh Trại), khu vực phường Tam Thanh… phải đóng cửa, dừng việc làm ăn, mua bán để lo che chắn, không cho nước tràn vào nhà.

Ghi nhận thực tế tại khu vực cầu chui Mỹ Sơn, khu đô thị Phú Lộc 4 (TP Lạng Sơn) có mực nước ngập sâu 30-60cm. Ông Vy Văn Tuấn, một chủ hộ ở phường Vĩnh Trại (TP Lạng Sơn) phản ánh: “Trước kia chỉ những khu vực ven sông mới ngập, nhưng bây giờ cứ mưa to ở đâu thì ngập ở đấy”.

IMG_1216.jpeg
Khu vực phường Tam Thanh (TP Lạng Sơn) chiều 30-7. Ảnh: MINH CHUYỂN
IMG_1214.jpeg
Khu vực Mỹ Sơn, phường Vĩnh Trại (TP Lạng Sơn) chiều 30-7. Ảnh: CTV

Không chỉ ở trung tâm TP Lạng Sơn mà ở địa bàn huyện Cao Lộc lân cận, nước mưa cũng ngập ngang lưng người. Lực lượng cứu hộ đã kịp thời có mặt, hỗ trợ người dân sơ tán đồ đạc lên cao hoặc đưa ra nơi an toàn.

Dọc Quốc lộ 1A qua xã Hoàng Đồng (TP Lạng Sơn) lần đầu tiên xảy ta tình trạng ngập sâu. Nước mưa tràn từ cánh đồng hai bên lên trắng mặt đường. Đây là huyết mạch để xe cộ, các phương tiện chở container hàng hóa xuất nhập khẩu từ dưới xuôi lên Cửa khẩu Tân Thanh, Cửa khẩu Hữu Nghị… và ngược lại. Do đó, lưu lượng xe cộ hàng ngày rất nhiều, liên tục.

Anh Bùi Văn Hoàn, một tài xế xe tải cho biết, chưa bao giờ thấy chỗ này bị ngập. Vậy mà giờ đây mặt đường chìm sâu trong nước, các loại xe phải dò dẫm nối đuôi nhau thành hàng dài, di chuyển khó khăn. Nhiều xe máy bị sặc nước, người dân lội xuống dắt bộ.

>>>Một số hình ảnh trên Quốc lộ 1A qua TP Lạng Sơn chiều nay 30-7:

IMG_1226.jpeg
IMG_1227.jpeg
IMG_1225.jpeg
IMG_1222.jpeg

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, lượng mưa vượt 100mm đã gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng tại Km257 của Quốc lộ 3 đoạn qua đèo Tài Hồ Sìn (huyện Hòa An), với chiều dài 26m, đất đá vùi lấp cao hơn 12m và phủ kín mặt đường rộng 10m.

IMG_1215.jpeg
Xe cộ tắc cứng ở khu vực đèo Tài Hồ Sìn sáng 30-7
IMG_1202.jpeg
Nước lũ ở thác Bản Giốc tràn vào tận khu lều lán dịch vụ ngày 30-7

Giao thông từ TP Cao Bằng về Hà Nội và ngược lại bị tê liệt hoàn toàn khi qua điểm sạt lở trên. Các xe cộ phải di chuyển theo Quốc lộ 34B sang tỉnh Lạng Sơn.

Trong khi tại tỉnh Bắc Kạn, một vụ sạt lở trên tuyến đường từ xã Côn Minh (huyện Na Rì) sang xã Cao Sơn (huyện Bạch Thông) đã vùi lấp 2 người đi đường vào chiều 30-7.

IMG_1219.jpeg
Người dân khẩn cấp đào bới, tìm kiếm 2 nạn nhân bị đất vùi lấp chiều 30-7

Ông Nguyễn Đức Đặng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên thông tin, trận mưa kéo dài từ ngày 29-7 đã kéo đổ sập 35m kè tường Trạm Y tế Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ). Chính quyền huyện Nậm Pồ đã sơ tán 8 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn. Cách đây một tuần, trận lũ quét qua địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã làm 4 người thiệt mạng, 3 người đến nay vẫn còn mất tích.

Hiện chính quyền các tỉnh ở miền núi phía Bắc vẫn đang tích cực hỗ trợ người dân ra khỏi những khu vực bị ngập sâu, huy động lực lượng san gạt đất đá sạt lở để sớm thông xe cộ, khắc phục tình trạng ngập úng, vệ sinh môi trường sau mưa lũ...

Tin cùng chuyên mục