Trên “quyết” dưới “liệt”
Từ năm 2016, khi mới được nâng cấp, mở rộng nhưng chưa kịp đưa vào khai thác, tuyến QL1A Bình Định, Phú Yên đã phát sinh hư hỏng. Đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ GT-VT đã hứa với Quốc hội sẽ khắc phục tuyến QL1A qua tỉnh Bình Định xong trước mùa mưa năm 2018. Tuy nhiên đến nay đã bước sang năm 2019, tuyến QL này vẫn chưa hoàn tất quá trình sửa chữa, khắc phục. Đặc biệt, tuyến QL1A tại Phú Yên phát sinh thêm nhiều ổ gà, ổ voi… Dư luận nghi ngờ về chất lượng công trình bị “rút ruột”, còn người tham gia giao thông vẫn phải bất an khi ngày ngày qua tuyến đường này.
Trung tá Ngô Đức Hoài, Phó Phòng CSGT (Công an tỉnh Bình Định), cho biết: Việc hư hỏng trên tuyến QL1A ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự và là tác nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn trong thời gian qua. Các tuyến đường triển khai thu phí được đầu tư từ ngân sách nhưng chưa kịp đưa vào khai thác đã phát sinh đã gây bức xúc trong dư luận.
Theo ông Hoài, thời gian qua, đơn vị liên tục có nhiều kiến nghị với ngành giao thông sớm khắc phục dứt điểm các hư hỏng trên tuyến QL1A qua tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, công tác khắc phục vẫn còn rất chậm trễ. Bất cập rõ nhất là trên tuyến QL1A qua các tỉnh miền Trung, có nhiều đoạn đường hư hỏng rất ngắn nhưng 2-3 năm vẫn không khắc phục ổn thỏa, tạo “điểm đen” cướp đi sinh mạng nhiều người…
Ông Trần Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III (Bộ GT-VT), cho biết: Tuyến QL1A từ Bình Định đến phía Bắc Phú Yên chia làm nhiều gói thầu: đoạn thực hiện theo hình thức BOT; đoạn trái phiếu Chính phủ; đoạn qua tỉnh Phú Yên do Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GT-VT) làm chủ đầu tư. Vì vậy, trách nhiệm khảo sát, tư vấn, thẩm định ban đầu của toàn bộ dự án đều do các chủ đầu tư tự làm, tự chịu trách nhiệm. Toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, kết quả chúng tôi không nắm được.
Cần minh bạch trong đấu thầu
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể đã ký ban hành chỉ thị yêu cầu siết chặt công tác quản lý dự án; phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong việc thực hiện các dự án của ngành giao thông.
Liên quan đến công tác đấu thầu các dự án, nhiều ý kiến nhìn nhận rằng, việc đấu thầu qua mạng là hình thức văn minh, minh bạch, đảm bảo tính khách quan. Bản chất đấu thầu qua mạng sẽ thống nhất hồ sơ, được đưa lên hệ thống mạng điện tử do bên thứ 3 là Trung tâm Đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thực hiện và quản lý. Sau khi mở thầu qua mạng, kết quả đấu thầu sẽ được Trung tâm Đấu thầu tiến hành công khai, không liên quan đến ngành giao thông.
Bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, nhìn nhận: “Bộ trưởng Bộ GT-VT đã đưa ra nhiều giải pháp, thể hiện quyết tâm cao trong phòng chống tham nhũng... Trong nhiều giải pháp đưa ra, tôi rất quan tâm giải pháp về chấn chỉnh công tác đấu thầu trong thực hiện các công trình, dự án đầu tư phát triển. Công đoạn này thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trên lĩnh vực quản lý dự án và cũng là cụ thể hóa Chỉ thị 47 của Thủ tướng về chấn chỉnh hoạt động đấu thầu”. |
Theo bà Hạnh, để thực hiện tốt, Bộ trưởng Bộ GT-VT cần kêu gọi những đơn vị quản lý của bộ đi tiên phong trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng. Thứ nhất, các gói thầu hay dự án sẽ được công khai, minh bạch. Thứ hai, nó sẽ thu hút được các nhà thầu thực sự có năng lực. Ngoài ra, việc đấu thầu qua mạng cũng sẽ góp phần loại bỏ được một số tiêu cực hiện nay công tác đấu thầu đang gặp phải…
Về việc này, ông Trần Đức Trung cho biết: “Không phải đợi đến khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ký ban hành chỉ thị mà từ trước đến nay, chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp để phòng chống, phòng ngừa tham nhũng, lợi ích nhóm. Trước tiên, phải khảo sát kỹ, chặt chẽ trước khi làm dự án, thiết kế đảm bảo phù hợp. Đặc biệt, quá trình lựa chọn nhà thầu, hướng tới 100% đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Và cuối cùng là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Nếu nhà thầu, đơn vị nào bị phê bình 2 lần, cảnh cáo 2 lần sẽ không cho tham gia đấu thầu các dự án của cục”.