Theo Nghị quyết, Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa hoàn thành, chậm triển khai hoặc triển khai chưa hiệu quả theo yêu cầu của Quốc hội.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, trình Quốc hội ban hành các luật để tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Xem xét, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia khác, quy hoạch vùng, phê duyệt quy hoạch tỉnh. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Xây dựng Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Có chính sách mới thu hút doanh nghiệp FDI liên kết đầu tư, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Triển khai kịp thời các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, đầu tư công, bảo đảm an toàn nợ công.
Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi. Thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành giá điện, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường. Trong năm 2021, phê duyệt và triển khai Quy hoạch điện VIII. Đến năm 2025, hoàn thành việc cấp điện cho người dân, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy điện; tăng cường thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong thiết kế, xây dựng, vận hành các công trình thủy điện.
Chính phủ cũng được yêu cầu xây dựng các phương án ứng phó với hạn hán, ngập mặn, bão lũ, gây sạt lở đất, bờ sông, bờ biển; nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tổng thể về sắp xếp, di dời, bố trí lại dân cư tại vùng có nguy cơ hoặc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai. Kiện toàn bộ máy, đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Trong năm 2021, hoàn thành rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất và sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp sang mô hình mới. Đến năm 2025, cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do.
Quốc hội yêu cầu từ năm 2021, thực hiện thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm thu phí BOT đường bộ; Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Khẩn trương kiểm tra việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Tiến hành thanh tra và báo cáo Quốc hội kết quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2017; Năm 2021, ban hành quy định về hoạt động lấn biển; Tăng cường quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm, chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện, dự án tác động đến hệ sinh thái rừng phòng hộ; Rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn quốc gia về môi trường.
Trong lĩnh vực giáo dục, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh đầu tư, xã hội hóa giáo dục - đào tạo. Tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tiếp tục triển khai kỳ thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng giai đoạn 2021 - 2025 ổn định, đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Năm 2021, ban hành khung giá dịch vụ giáo dục - đào tạo của các cơ sở giáo dục công lập, cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập.
Chính phủ cũng được yêu cầu ban hành chính sách tiền lương hợp lý đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995…
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về trồng 1 tỷ cây đến năm 2025, tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã xem xét và quyết định tỷ lệ che phủ rừng tại các nghị quyết về kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chủ động xây dựng các chương trình, dự án cụ thể để tổ chức thực hiện, do đó không đưa chỉ tiêu cụ thể này vào trong Nghị quyết. |