Ngày 21-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Việc xây dựng một hệ thống quy định pháp luật về tư pháp đối với người chưa thành niên là rất phù hợp xu hướng chung của thế giới, thể hiện tính nhân văn, tiến bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Tranh luận biện pháp xử lý chuyển hướng
Quan tâm đến các biện pháp xử lý chuyển hướng người chưa thành niên vi phạm pháp luật, ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị bổ sung nhóm người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là đối tượng được áp dụng biện pháp này.
Theo đó, dự thảo luật chỉ quy định những người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi mới thuộc trường hợp được áp dụng 12 biện pháp xử lý chuyển hướng. ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, nếu dự thảo luật bỏ sót đối tượng từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi là rất nguy hiểm.
Dự thảo luật có quy định biện pháp cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới và hạn chế khung giờ đi lại, cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.
Về quy định trên, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, những biện pháp này nghe rất hợp lý nhưng thực tế để thực hiện hiệu quả thì vô cùng khó khăn.
Để những biện pháp này có tính khả thi và hiệu quả, ĐB đề nghị phải quy định rất rõ, đặc biệt là việc chuẩn bị nguồn nhân lực và trang thiết bị để phục vụ nhiệm vụ giám sát việc thực hiện các biện pháp xử lý chuyển hướng của người chưa thành niên phạm tội.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) phân tích, người chưa thành niên là người chưa phát triển hoàn thiện về thể chất, tâm sinh lý, nhận thức...
Cho nên, pháp luật đã vận dụng theo hướng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho đối tượng này, tạo điều kiện để họ sửa chữa sai lầm, làm lại cuộc đời.
ĐB Nguyễn Thanh Sang đề nghị, việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cần căn cứ tính chất, mức độ hành vi phạm tội của người chưa thành niên.
Đồng thời, đề nghị không nhất thiết quy định chi tiết các trường hợp xử lý chuyển hướng mà cần quy định hướng mở, để làm cơ sở quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.
Bởi theo ĐB Nguyễn Thanh Sang, trường hợp họ đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng nhưng nếu áp dụng biện pháp hình phạt tù thì chúng ta đã vô tình làm xấu đi tình trạng của người chưa thành niên.
Về nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có quy định, không áp dụng biện pháp chuyển hướng nếu tại thời điểm xem xét, người chưa thành niên phạm tội đã đủ 18 tuổi, ĐB Nguyễn Thanh Sang cho rằng, quy định này không phù hợp.
Bởi lẽ, tại thời điểm họ thực hiện hành vi phạm tội là người chưa thành niên. Còn tại thời điểm xem xét biện pháp chuyển hướng là do các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện.
ĐB băn khoăn, nếu các cơ quan này thực hiện chậm thì trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến chính sách dành cho người chưa thành niên phạm tội.
Do vậy, ĐB đề nghị trong trường hợp không có đủ thời gian thì cần áp dụng thủ tục rút gọn cho những trường hợp này, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người chưa thành niên.
Cần quan tâm bảo vệ bị hại
Góp ý cụ thể hơn về tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị, nghiên cứu quy định theo hướng mở, đối với những vụ án có người chưa thành niên và người đã thành niên phạm tội.
Cụ thể, ưu tiên tách vụ án để giải quyết độc lập nếu điều đó không gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết vụ án.
Cho rằng dự thảo luật chỉ xem xét vấn đề trên phương diện bảo vệ người phạm tội là người chưa thành niên, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn, dự thảo luật "quên" mất một đối tượng rất cần được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trong vụ việc, đó là người bị hại.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, dự án luật chủ yếu tập trung vào các quy định người chưa thành niên phạm tội nhưng chưa có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ người bị hại là người chưa thành niên.
Do đó, ĐB đề nghị, trong áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng cần phải cân bằng các lợi ích của người chưa thành niên phạm tội và bị hại là người chưa thành niên.
Mặt khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa băn khoăn, nếu trong trường hợp áp dụng biện pháp chuyển hướng là để oan sai, dẫn đến làm mất quyền kháng cáo của bị hại, Viện KSND mất quyền kháng nghị.
Cùng góp ý về nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) cho rằng, dự thảo phân bố chưa hợp lý về nội dung cho 2 nhóm người chưa thành niên phạm tội và người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng.
Dự thảo có nhiều chính sách giảm nhẹ cho người chưa thành niên phạm tội, nhưng chính sách cho người bị hại và người làm chứng rất mờ nhạt. Do đó, ĐB đề nghị, cần cân đối, giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của 2 nhóm này.
“Bởi lẽ, đôi khi chúng ta quá bao dung với người chưa thành niên phạm tội sẽ vô tình tăng thêm nỗi đau và sự mất mát cho người bị hại, người làm chứng và gia đình họ, nhất là một số biện pháp xử lý chuyển hướng cần đánh giá kỹ tính khả thi”, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh băn khoăn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội cần xem xét đến lợi ích và quan điểm của nạn nhân, khuyến khích các nạn nhân tham gia vào quy trình xử lý người chưa thành niên phạm tội.
Cụ thể theo hướng, bất kỳ biện pháp xử lý nào áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội đều phải xem xét đến lợi ích của nạn nhân cũng như tác động của hành vi phạm tội đối với nạn nhân.
Về lựa chọn người trực tiếp giám sát thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đề nghị, rà soát thêm chức năng, nhiệm vụ của từng nhóm trên để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
Người trực tiếp giám sát phải từ các bộ phận có hệ thống được tổ chức đến tận các khu phố, ấp.
Đồng thời, cần cân nhắc không nên bố trí những người có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính hàng ngày tại trụ sở UBND cấp xã làm người trực tiếp giám sát.
Đồng thời, đề xuất bổ sung tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở làm người trực tiếp giám sát.