Về vấn đề thủy điện nhỏ hết khấu hao dòng đời dự án, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Luật Xây dựng và nghị định quy định chi tiết Luật Điện lực đã có quy định. Đó là, khi các dự án hết vòng đời thì phải thực hiện đánh giá lại chất lượng hồ, đập, có phương hướng sử dụng, tháo dỡ. Về việc xử lý các tấm pin quang điện sau khi thủy điện hết giá trị sử dụng, Thủ tướng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ lập quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng hệ thống xử lý các tấm pin này.
Đăng ký tranh luận về vấn đề thủy điện, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, khi đề cập đến vai trò của thủy điện trong vấn đề lũ lụt thì phải xem xét quan điểm lịch sử về thủy điện. Khi xây dựng thủy điện sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới đến phát điện. Chính vì sử dụng chủ yếu trong điều tiết lũ nên Hà Nội đã tránh được các trận lụt lịch sử; lũ lụt ở Hà Nội, đồng bằng sông Hồng cơ bản được khắc phục.
Mặt trái của thủy điện xảy ra khi có sự lạm dụng xây dựng nhà máy, lựa chọn địa điểm, quy trình kỹ thuật… Thậm chí, một số chủ nhà máy điện đã lạm dụng quy trình đó để trục lợi thông qua phá rừng, lấy gỗ quý tự nhiên. Việc đánh giá vai trò của thủy điện, thủy lợi cần phải khách quan, nhiều chiều, không vì lũ lụt mà “đổ hết cho thủy điện”.
Tranh luận lại các ý kiến phát biểu trước, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho biết, ông phát biểu về nguy cơ của thủy điện là để cảnh báo cho 30, 40, 50 năm sau, với mục đích chúng ta nhìn nhận, đánh giá chính xác, nhằm không để lại di họa cho con cháu.
Đánh giá về phần trả lời của Bộ TN-MT là hợp lý khi thu phí môi trường dự án thủy điện để xử lý những vấn đề sau này, ĐB Dương Trung Quốc nhận xét về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương: "Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói là khi thủy điện nhỏ hết khấu hao thì chủ đầu tư xử lý. Nhưng, câu chuyện tối thiểu, đơn giản nhất là hiện nay nhiều dự án lấy đất của dân không đền bù thỏa đáng. Vậy mấy chục năm sau lấy cơ chế nào ràng buộc họ phải tháo dỡ. Do đó, cần có chế tài “nắm đằng chuôi” vì doanh nghiệp “thoái thác bỏ đi ai làm gì được”", ĐB Dương Trung Quốc nói.
Nói về vai trò của thủy điện, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết, Lâm Đồng đã khai thác thủy điện hiệu quả gần 100 năm, với một chuỗi hơn 30 thủy điện trên dọc sông Đồng Nai.
“Nơi nào phát huy được trách nhiệm của chủ đầu tư thì thủy điện có vai trò tốt”, ĐB Nguyễn Tạo nói và cho rằng, việc chủ đầu tư chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng, quản lý, vận hành thủy điện chỉ là cá biệt.
Cho rằng không thể mọi thứ “đổ thừa” cho thủy điện nhưng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), việc đưa dự án thủy điện vào quy hoạch cần xem xét nhiều yếu tố, đặc biệt là tác động của mỗi dự án và phải nhìn nhận một dòng sông “chịu được bao nhiêu thủy điện”; có 3 công trình thủy điện khác với 8 thủy điện. Khi xét duyệt 3 dự án thủy điện ban đầu thì khác với đánh giá dự án thủy điện thứ 4, 5, 6. Nếu đơn giản hóa tiêu chuẩn xét duyệt ở bước này thì sẽ không thấy được vai trò, trách nhiệm của Nhà nước.