Quốc hội thông qua sửa đổi Luật Dược, có quy định mới về bán thuốc online

Chiều 21-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với tỷ lệ tán thành là 426/430 đại biểu Quốc hội dự bấm nút thông qua (chiếm tỷ lệ 88,94%). Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2025.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua đã có quy định về kinh doanh dược phẩm qua phương thức thương mại điện tử.

Theo đó, việc kinh doanh thuốc qua phương thức thương mại điện tử bị cấm đối với thuốc kê đơn, trừ trường hợp cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Thuốc phải kiểm soát đặc biệt và thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ cũng bị cấm bán trên các sàn thương mại điện tử.

cb58d2cd37308c6ed521.jpg
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua. Ảnh: QUANG PHÚC

Luật cũng quy định các cơ sở kinh doanh thuốc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng thương mại điện tử, website có chức năng đặt hàng trực tuyến. Các cơ sở này phải tuân thủ pháp luật về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo mật thông tin người mua...

Trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật này.

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược vừa được Quốc hội thông qua đã đơn giản hóa thủ tục đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo hướng phân loại các thuốc, nguyên liệu làm thuốc cần thẩm định/không cần thẩm định, tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

f26e6780827d3923606c.jpg
Trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật này. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng thời, luật cũng quy định giảm số lượng tài liệu yêu cầu trong hồ sơ đề nghị gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; giảm thời gian giải quyết hồ sơ tương ứng với từng trường hợp.

Luật được thông qua lần này còn cho phép cơ sở đăng ký thuốc được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc sau khi hết hiệu lực và đã nộp hồ sơ gia hạn theo quy định đến khi được gia hạn hoặc có văn bản của Bộ Y tế để bảo đảm việc lưu hành liên tục của thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy nguồn cung.

Đồng thời phân cấp cho Sở Y tế các tỉnh/thành quyết định thu hồi thuốc trong trường hợp thu hồi bắt buộc đối với thuốc vi phạm mức độ 2 hoặc mức độ 3 để tăng tính chủ động cho Sở Y tế trong giám sát, quản lý chất lượng thuốc, kịp thời xử lý và thu hồi thuốc vi phạm chất lượng trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục