Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự án Luật, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết riêng một điều khoản về lựa chọn phương án cấp tần số vô tuyến điện cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Theo đó, băng tần có thể được cấp cho doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh với thời hạn không quá 3 năm để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm lập đề án sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, lấy ý kiến Bộ TT-TT, ý kiến Bộ Công an đối với đề án do Bộ Quốc phòng lập, ý kiến Bộ Quốc phòng đối với đề án do Bộ Công an lập để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án trước khi Bộ TT-TT cấp phép.
Nội dung mới khác rất đáng lưu ý tại dự thảo Luật vừa được thông qua liên quan đến phương thức cấp giấy phép sử dụng băng tần, kênh tần số.
Theo đó, áp dụng phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá đối với băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất; băng tần, kênh tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng mặt đất khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Bên cạnh đó, phương thức cấp giấy phép thông qua thi tuyển được áp dụng đối với băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 Điều này khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có tổ chức mới tham gia thị trường để thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông. Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần, kênh tần số được cấp phép thông qua thi tuyển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ TT-TT.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.