Sáng nay 14-6, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Cảnh sát cơ động với 454/474 đại biểu (ĐB) tán thành, 18 ĐB không tán thành, 2 ĐB không biểu quyết.
Luật Cảnh sát cơ động sẽ có hiệu lực từ 1-1-2023, quy định 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn cho cảnh sát cơ động. Lực lượng này được trao thêm một số quyền như sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Cảnh sát cơ động cũng được quyền mang theo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng…
Cảnh sát cơ động cũng được giao quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay.
Cảnh sát cơ động cũng được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.
Cùng với đó, cảnh sát cơ động cũng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin…
Cảnh sát cơ động sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh công an nhân dân, đồng thời có phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu riêng.