Đáng chú ý, về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường, tiếp thu ý kiến đa số các vị ĐBQH, Luật đã chỉnh lý theo hướng các tiêu chí đã được quy định rõ ràng, cụ thể hơn so với dự thảo trước đó.
Trên cơ sở đó, việc phân nhóm dự án đầu tư được thực hiện theo tiêu chí về môi trường bảo đảm chính xác và khả thi hơn, phân thành 4 nhóm I, II, III và IV. Luật cũng định danh cụ thể tiêu chí của từng nhóm để làm căn cứ cho Chính phủ quy định chi tiết và ban hành danh mục dự án đầu tư thuộc nhóm I, II, III.
Điều 28 Luật đã được chỉnh lý, bổ sung theo ý kiến của ĐBQH và đổi tên thành “Các tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư” để không lẫn với phân loại dự án theo tiêu chí đầu tư.
Luật cũng quy định, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM). Phương án này giảm được thủ tục hành chính cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án thuộc đối tượng phải quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc nhóm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao.
Đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Phương án này không bỏ sót đối tượng là các dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng lại có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Thông qua đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhà đầu tư tránh được lãng phí về tài chính, thời gian trong trường hợp dự án không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT) ở ngay giai đoạn này.
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, sau khi lấy ý kiến các ĐBQH, luật đã chỉnh lý theo phương án giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của bộ, cơ quan ngang bộ, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, thể hiện tại Điều 35 của Luật.
Để nâng cao năng lực chuyên môn của các địa phương và tăng cường sự phối hợp, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Luật đã bổ sung tại khoản 3 Điều 35 trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang Bộ trong quá trình phối hợp với UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM.
Về thực hiện đầu tư công trình phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, Luật đã quy định chủ cơ sở phải có công trình, trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố môi trường theo quy định của pháp luật. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, Chính phủ sẽ nghiên cứu để quy định cụ thể đối tượng phải có công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cho phù hợp thực tiễn. Luật đã quy định rõ phân cấp sự cố và các giai đoạn ứng phó sự cố môi trường. Trong trường hợp phạm vi ảnh hưởng của sự cố môi trường vượt ra ngoài phạm vi cơ sở, địa giới hành chính thì người có thẩm quyền chỉ đạo ứng phó sự cố môi trường phải báo cáo cấp trên trực tiếp để chỉ đạo ứng phó sự cố.