Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội cho phép sử dụng 63.725 tỷ đồng nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Trong đó bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 là 33.156,9 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đối với số vốn còn lại hơn 30.568 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư theo quy định, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho từng dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Chính phủ cũng trình Quốc hội phân bổ 2.526,1 tỷ đồng trong tổng số vốn hơn 37.303 tỷ đồng cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thực hiện Dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Thảo luận về nội dung này, ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đồng tình cao với dự thảo nghị quyết, cho rằng, cần thiết bổ sung vốn đầu tư công trung hạn cho dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia, huyện Côn Đảo. Hiện nay, nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của đảo đang tăng nhanh, điện cho sản xuất công nghiệp, dịch du lịch gần như không đáp ứng, trong khi các nhà đầu tư đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) chỉ rõ, trong hơn 63.000 tỷ đồng mà Chính phủ đề xuất, đã phân bổ hơn 33.000 tỷ đồng cho các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có danh mục. Đối với số vốn còn lại, do Chính phủ chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên theo quy định của Luật Đầu tư công thì phải tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư, nhưng phải xác định được nguồn vốn.
Do đó, ĐB cho rằng nghị quyết nên quy định theo hướng cho phép Chính phủ sử dụng nguồn vốn hơn 30.000 tỷ đồng còn lại để chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 5. Khi hoàn thiện thủ tục đầu tư phải báo cáo Quốc hội quyết định; trong trường hợp cấp bách thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Giải trình lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đây là ý kiến xác đáng, việc thiết kế dự thảo nghị quyết hiện nay chưa làm rõ nội dung này. Cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại ngày cuối kỳ họp bất thường này.
Về việc sử dụng nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, theo Nghị quyết 93 của Quốc hội về phân bổ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, do việc chuẩn bị các dự án trong chương trình đầu tư công trung hạn chưa kịp thời, nên đã quyết định để lại kinh phí, cho phép tiếp tục rà soát đề xuất các dự án.
Cấp điện cho Côn Đảo là dự án trước đây đã được giao nhiệm vụ để chuẩn bị đầu tư, nhưng do không chuẩn bị được kịp thủ tục đầu tư, nên đã phải thu lại nguồn này, đưa vào dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đến nay, quá trình chuẩn bị đã được thực hiện kỹ lưỡng, cơ bản đã có căn cứ xem xét bố trí đầu tư, do vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội sử dụng nguồn dự phòng để bố trí vốn cho dự án này.
Kết luận thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận, các ĐB đều thống nhất với chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho EVN từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua.