Những nội dung trong dự án Luật Điện lực tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào sáng nay (28/10). Vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận thảo luận xoay quanh quy định về việc thanh toán điện.
Với 10 chương, 70 điều, dự án Luật Điện lực quy định về quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực, tiết kiệm điện, thị trường điện lực, các quy định về bảo vệ thiết bị điện, công trình và an toàn điện cũng như các quy định của các bên sản xuất kinh doanh điện và bên sử dụng điện.
Khi thảo luận về vấn đề thanh toán điện, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự án luật cho rằng, bên mua điện nếu trả tiền điện châm thì phải trả cả tiền lãi cho bên bán điện để đảm bảo công bằng. Tuy nhiên, số lãi là bao nhiêu và thu như thế nào không cần thiết phải quy định trong luật (phần này nên đưa vào Nghị định hướng dẫn và cách tính lãi nên tính theo biểu giá của ngân hàng ở cùng thời điểm để đảm bảo khách quan).
Trường hợp bên mua điện không trả tiền, mặc dù đã được bên bán điện thông báo 3 lần thì sau 15 ngày kể từ lần thông báo đầu tiên, bên bán có quyền ngừng cấp điện, ông Đào Xuân Nay (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận) không đồng tình với quy định này và cho rằng, quy định này là cứng nhắc, cần phân biệt ranh giới giữa trả chậm và không trả tiền. Hơn nữa, sau 15 ngày mà không trả tiền được ngừng cấp điện là không hợp lý vì trong nhiều trường hợp, bên mua điện đi công tác hàng tháng như ngư dân đi biển, hay cán bộ, nhân viên của cơ quan nào đó phải đi công tác dài ngày.
Việc dự án luật quy định về thanh toán tiền điện thủy nông tối đa không quá 120 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo thanh toán tiền điện đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, thời hạn thanh toán tiền điện đối với các trạm bơm thủy nông nên tính theo thời vụ (một vụ không tính quá 150 ngày) vì lúc đó, các trạm thủy nông mới thu được thủy lợi phí. Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch (đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) lập luận, hiện nay tình trạng các doanh nghiệp thuỷ nông nợ đọng tiền điện đang trở thành nỗi bức xúc mà bản thân doanh nghiệp cũng không thể giải quyết được. Hơn nữa, nếu tính cả phần lãi thì các doanh nghiệp càng khó khăn hơn.
Xung quanh các quy định liên quan đến quyền được bồi thường thiệt hại do bên bán điện gây ra, ông Huỳnh Văn Chính, đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng dẫn chứng, thực tế đã xảy ra tình trạng điện áp không ổn định gây hư hỏng thiết bị, ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm như đã từng xảy ra với ngành dệt như không mấy khi được ngành điện bồi thường. Vị đại biểu này đề nghị, luật nên bổ sung quy định, bên bán điện phải bồi thường trong trường hợp không đảm bảo chất lượng nguồn điện để khách hàng khỏi thiệt thòi và như thế mới đảm bảo công bằng giữa bên bán và bên mua.
P.V (theo VTV)