
Đánh giá về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009, nhiều ý kiến thảo luận của ĐBQH tại tổ cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn, chính sách tài chính tiền tệ năm 2009 của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng được những mục tiêu chủ yếu được QH quyết định. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần được xem xét nghiêm túc, trong đó có vấn đề về kỷ luật ngân sách.
Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) chưa hài lòng về độ chính xác trong những tính toán, dự báo về tình hình thu – chi ngân sách nhà nước. Ông chỉ ra rằng, trong khi thu ngân sách năm 2009 dự kiến giảm từ 30 đến 60.000 tỷ đồng (từ đó cho phép tăng bội chi lên tới 7%) thì thực tế thu ngân sách đến thời điểm hiện tại đã vượt 750 tỷ đồng, dự kiến cả năm có thể vượt hàng ngàn tỷ đồng. Và trong khi không hụt thu mà vẫn bội chi đến 6,9% thì cần nghiêm túc đặt vấn đề về kỷ luật ngân sách.
Đơn cử, việc bố trí tăng chi trả nợ khoảng 6.000 tỷ đồng và sử dụng khoảng 11.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội là các khoản chi không có trong dự toán được QH quyết định. ĐB Trần Du Lịch yêu cầu Chính phủ giải trình với QH mục “chi khác ngân sách” ước tăng tới 1.790,6% so với dự toán (dự toán 620 tỷ đồng, ước thực hiện 11.722 tỷ đồng).
Đây cũng là nhận định của ĐB Lê Thành Tâm (TPHCM). Ông bình luận thêm, phương án thu do Chính phủ đề xuất là chưa tích cực, chưa đánh giá hết cũng như chưa có giải pháp động viên để huy động hết các nguồn thu. Mức bội chi ngân sách năm 2010 nên khống chế ở mức 5,5% GDP.
Phân bổ ngân sách thế nào?
Nhìn nhận vấn đề từ khía cạnh “nuôi dưỡng nguồn thu”, ĐB Lê Thành Tâm (TPHCM) đề nghị, trong phương án phân bổ ngân sách 2010, nên tính toán hợp lý tỷ lệ để lại số vượt thu cho địa phương có thành tích vượt thu. Tuy nhiên, ĐB Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề nghị phải quản ngân sách thật chặt, tránh điều hành tài chính theo kiểu phong trào, thưởng cho các địa phương mà không xin ý kiến QH.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh
Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị tăng chi cho nông nghiệp, nông thôn và giảm chi cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đồng thời nên xem xét khoanh lại các chương trình mục tiêu để tránh lãng phí do phân tán và trùng lắp với chi cho đầu tư phát triển. ĐB Trần Hồng Việt, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH cho rằng, Chính phủ dường như “dễ dãi quá” trong việc “rải” ngân sách cho các chương trình mục tiêu quốc gia, dẫn đến hiệu quả không như mong muốn. Chia sẻ quan điểm này, Trưởng đoàn ĐBQH Bình Thuận Huỳnh Văn Tý kiến nghị nên đánh giá lại việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đơn cử, đối với chương trình giảm nghèo, vì số hộ nghèo đã giảm mà tiền chi cho chương trình vẫn tăng.
Trong số các lĩnh vực cụ thể, ĐB Đào Xuân Nay (Bình Thuận) đề nghị tăng chi cho công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là để “phòng” thay vì để xảy ra rồi mới “chống”.
Chi cho lương cực lớn
Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (ảnh). Cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu QH, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh (ĐBQH Nam Định) cho biết, điều đáng mừng là đến nay, trong nợ của CP, nợ quốc gia không có khoản nợ nào chúng ta bị quá hạn mà không trả được. Còn về việc các đại biểu QH không hài lòng với mức tăng bội chi năm 2009, ông Ninh giải đáp, tổng thu thì vượt kế hoạch. Tuy nhiên, thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu không đạt kế hoạch - mà phần này toàn bộ rơi vào ngân sách trung ương - nên đương nhiên phải tăng bội chi.
Một vấn đề lớn khác là cải cách tiền lương, ông Ninh nói rằng, trong đề án cần phải huy động cỡ 26.000 tỷ đồng “để lo tiền lương cho khối sự nghiệp, song thực tế chỉ lo được 1.000 tỷ đồng, tức ngân sách vẫn chủ yếu trả lương”.
Trong khi đó, đối tượng hưởng lương ngân sách khoảng 6 triệu người, chiếm tới 54% - 56% khoản chi thường xuyên. Đối tượng trợ cấp xã hội cũng khoảng 1,4 triệu người. Do vậy, tiền lương tăng một đồng thì quỹ lương trội lên cực lớn.
“Cân đối ngân sách căng như vậy. Khi làm chính sách đặc biệt cho năm 2009 nhằm khắc phục hậu quả suy giảm kinh tế, Chính phủ đã báo cáo QH, phải sau khoảng 4 - 5 năm, ngân sách mới trở về bình thường” - Bộ trưởng cho biết.
Anh Thư
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, ĐBQH Thái Nguyên: Vượt qua 2009, chúng ta phải nỗ lực để tăng trưởng 2010 cao hơn 2009, vì đây là năm kết thúc kế hoạch 5 năm. QH cần đánh giá đúng mức những gì chúng ta đã làm được, đặc biệt không được chủ quan, bởi lạm phát rất có thể quay trở lại. Nhược điểm quan trọng trong chính sách tài khóa của ta là mất cân đối thu - chi còn lớn. Quản lý chi còn vấn đề, có chỗ thiếu nhưng có chỗ chi không hợp lý. Mục tiêu là phải tiến tới giảm bội chi và xa hơn nữa, phải phấn đấu bội thu. Ngân sách ví như tấm chăn, hiện nay vẫn là chiếc chăn nhỏ, phải cùng nhau nỗ lực để cái chăn to lên. Năm 2010 là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, công tác nhân sự cần đảm bảo, nhưng cũng cần hết sức tránh buông lỏng điều hành kinh tế - xã hội. Phải lấy phát triển kinh tế - xã hội là thước đo hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp. B.An Ưu đãi thuế các dự án nhà ở xã hội Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại phiên họp chiều qua, 23-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã nêu ra kiến nghị của Chính phủ về việc ưu đãi thuế cho các dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, theo dự thảo luật, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán cho các đối tượng là HSSV, công nhân làm việc tại các KCN và người có thu nhập thấp sẽ được áp mức thuế suất GTGT 5% thay vì mức 10% hiện hành. Thuế suất thuế TNDN đối với các doanh nghiệp có dự án đầu tư này cũng sẽ được giảm xuống mức 10%, miễn thuế 4 năm và giảm thuế tối đa 9 năm tiếp theo. Đáng lưu ý là các dự án đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực ưu đãi hoặc thực hiện tại địa bàn được khuyến khích đầu tư mà không hình thành pháp nhân mới cũng được ưu đãi thuế TNDN như trường hợp đầu tư mở rộng thành lập pháp nhân mới. Chính phủ đề nghị luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2010. Báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số thành viên ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN. Có những ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán, dự báo làm rõ tổng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách trong những năm tới; đồng thời dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước nếu áp dụng thuế suất ưu đãi cho các DN có dự án xây dựng nhà ở chính sách. B.Minh |