Chiều 15-11, ngay sau khi bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo về kỳ họp.
Tại họp báo, báo chí đặt câu hỏi về vấn đề tự chủ bệnh viện hiện nay thực hiện có rất nhiều khó khăn; tại sao dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải lùi thông qua tại kỳ họp này.
Trả lời, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là luật có ý nghĩa quan trọng, tác động lớn đến người dân, định hướng công tác quản lý, sự phát triển trước mắt và lâu dài của ngành y tế. Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng các nội dung liên quan. Tuy nhiên, qua thảo luận, ý kiến các ĐBQH còn nhiều vấn đề, nhất là tài chính khám bệnh chữa bệnh, tự chủ bệnh viện. Sau khi xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng, toàn diện, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua luật này tại kỳ họp thứ 4 để có thêm thời gian chuẩn bị nội dung mới được đề nghị bổ sung một cách kỹ lưỡng hơn, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý, lấy ý kiến chuyên gia và đối tượng chịu sự tác động, hoàn thiện dự thảo luật.
“Vấn đề giá khám chữa bệnh tính đúng tính đủ như thế nào, tự chủ bệnh viện thực hiện ra sao, chi thường xuyên của nhà nước cho y tế… đều là những vấn đề lớn, do đó Ủy ban Xã hội chủ động trình Quốc hội lùi việc thông qua”, ông Nguyễn Hoàng Mai cho biết.
Trong thời gian tới, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến ĐBQH để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội tại kỳ họp sau bảo đảm chất lượng cao nhất.
Về vấn đề tự chủ toàn diện bệnh viện hiện nay chưa thực hiện được, ông Nguyễn Hoàng Mai cho rằng, một phần do tác động của dịch Covid-19, nhưng chủ yếu là do các quy định hiện nay còn nhiều vướng mắc, do đó các bệnh viện chưa thực hiện thuận lợi.
Trả lời về tính khả thi của việc thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, do đấu giá trực tuyến nên sẽ hoàn toàn khả thi để áp dụng trên toàn quốc.
“Chúng ta áp dụng công nghệ thông tin để làm, nhưng cũng phải chuẩn bị kỹ để không xảy ra trục trặc. Hoàn toàn có thể xảy ra việc một người đi ô tô sống ở địa bàn này nhưng mang biển số xe ở tỉnh khác, khi xảy ra các vấn đề về an toàn giao thông thì chúng ta vẫn có thể truy xuất dữ liệu để quản lý”, ông Trịnh Xuân An nêu.
Về việc bổ sung thông tin "nơi sinh" vào hộ chiếu, ông Trịnh Xuân An cho hay, Chính phủ đã trình là không làm phát sinh thủ tục cũng như chi phí. “Nhưng, với những hộ chiếu đã cấp có phát sinh bao nhiêu kinh phí, xử lý ra sao thì Chính phủ chưa có báo cáo đánh giá tác động, chưa nêu trong tờ trình. Tuy nhiên, trước đó, khi bổ sung bị chú nơi sinh vào hộ chiếu thì Bộ Công an bảo đảm thủ tục làm rất nhanh, chỉ trong 2 ngày và miễn phí. Đây là vấn đề phát sinh và chúng ta phải chấp nhận xử lý. Việc phát sinh chi phí nếu có cũng phải linh hoạt xử lý. Cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá”, ông Trịnh Xuân An cho biết.
Nói thêm về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, việc này sẽ được diễn ra thuận lợi để bảo đảm quyền lợi cho công dân.