Tiếp tục chương trình nghị sự của phiên họp thứ 29, sáng 11-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7 của Quốc hội.
Trình bày Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận định, kỳ họp thứ 6 đã thành công, Công tác nhân sự được chuẩn bị chu đáo, lấy phiếu tín nhiệm khách quan, chất vấn sôi nổi, điều hành linh hoạt và hiệu quả…
Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ họp thứ 6 vẫn có một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm. Chẳng hạn, việc đóng dấu mật một số tài liệu chưa phù hợp với mức độ mật của nội dung, gây khó khăn trong việc bảo quản và sử dụng tài liệu. Một số nội dung được chuẩn bị với chất lượng còn hạn chế. Tình trạng chậm gửi tài liệu của một số dự án luật, dự thảo nghị quyết vẫn chưa được khắc phục triệt để; một số báo cáo kết quả giám sát chưa đề cập đầy đủ, toàn diện các mặt hoạt động của bộ trưởng, trưởng ngành; chưa đề xuất được những giải pháp sát với tình hình thực tiễn…
Góp ý về công tác tổ chức kỳ họp thứ 6, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị tiếp tục nghiên cứu thêm về tổ chức chất vấn. Ông Định ghi nhận, việc thảo luận đã có đổi mới, tăng tính tranh luận, “nhưng chất vấn thì đề nghị không có tranh luận, đại biểu hỏi thì người được trả lời phải trả lời, chứ người không nhận được câu hỏi lại tham gia bình luận thì không nên”.
Chia sẻ quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề cập đến ý kiến bảo vệ ngành khi đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về phát ngôn của ông Nhưỡng liên quan đến ngành công an.
“Cần nghiên cứu để điều hành sao cho sôi nổi mà không căng thẳng”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì cho rằng hỏi nhanh đáp gọn là tốt nhưng chỉ dành cho Bộ trưởng ba phút để trả lời mỗi câu hỏi thì chưa đủ thời gian để giải trình được hết những vấn đề cần nói.
Tổng kết nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng kỳ họp thứ 6 đã “thành công, để lại dấu ấn quan trọng và có tính lịch sử”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác nhân sự làm rất đúng trình tự, định hướng chính trị. Tài liệu liên quan chuẩn bị kỹ, cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết.
“Chất vấn đạt kỷ lục cả số người chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri nói họ rất thích cách chất vấn như vừa rồi, dù điều hành vất vả”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Bà đồng ý với việc đưa ra quy tắc là khi đại biểu hỏi thì người bị chất vấn cần trả lời chứ không để đại biểu không liên quan tranh luận.
Theo dự kiến, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ khai mạc vào ngày 20-5-2019 và làm việc khoảng hơn 20 ngày. Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến 9 dự án luật khác. Bên cạnh các nội dung theo thông lệ, Quốc hội sẽ giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Thống nhất phạm vi điều chỉnh của nghị định về hoạt động triển lãm
Điều hành phiên họp chiều 11-12 của UBTVQH, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, UBTVQH nhất trí với tờ trình của Chính phủ về việc ban hành nghị định về hoạt động triển lãm, hoan nghênh Chính phủ đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý của UBTVQH và cơ quan thẩm tra về quản lý nhà nước, thẩm quyền cấp giấy phép cho hoạt động triển lãm và nhiều nội dung khác trong dự thảo.
Trước đó, UBTVQH đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự thảo. Theo đó, cơ quan soạn thảo, thẩm tra đã thống nhất về phạm vi điều chỉnh của nghị định là “quy định về hoạt động tổ chức, phối hợp tổ chức triển lãm không vì mục đích thương mại do tổ chức, cá nhân thực hiện tại Việt Nam và đưa ra nước ngoài”, không điều chỉnh hoạt động triển lãm thương mại (đã được quy định tại Luật Thương mại) và những triển lãm đã được điều chỉnh bởi các văn bản khác. Để làm rõ nội dung này, định nghĩa “triển lãm không vì mục đích thương mại” đã được bổ sung tại khoản 2, Điều 3 dự thảo nghị định.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể số lượng tối thiểu thành viên của hội đồng thẩm định trong dự thảo nghị định.
Bổ sung kinh phí mua hàng hóa dự trữ quốc gia Trình bày tờ trình về việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia tại phiên họp sáng 11-12 của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, từ ngày 1-7-2017 đến ngày 31-5-2018, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp tổng số 43.098 tấn gạo để cứu trợ cho nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, Tết Nguyên đán, cứu đói thời kỳ giáp hạt và viện trợ cho nhân dân Cuba. Về việc bổ sung mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia đã xuất cấp trong năm 2017, từ tháng 1 đến tháng 12-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) tổng số 3,2 triệu liều vaccine các loại, 411.000 lít hóa chất sát trùng phòng bệnh gia súc, 960 tấn hóa chất sát trùng phòng bệnh thủy sản. |