*Thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Quốc hội sẽ giám sát tối cao về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Ngày 12-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015. Đa số các ĐBQH khi phát biểu đều nhấn mạnh việc Chính phủ cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm và báo cáo Quốc hội tình trạng thất thoát, lãng phí NSNN. 
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý ngoại thương
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý ngoại thương
Cùng ngày, với tỷ lệ 436/439 đại biểu có mặt thông qua, chiếm tỷ lệ 88,8% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2018. Do kỳ họp thứ 6 sẽ có nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nên năm 2018, Quốc hội sẽ chỉ giám sát 1 chuyên đề về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, các nội dung giám sát khác theo thông lệ vẫn sẽ được tiến hành. 
Vẫn phụ thuộc thu từ đất Theo ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), qua thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước cho thấy, cần có sự thống nhất về tính chính xác trong các số liệu, cố gắng làm đẹp, chưa hoàn toàn phản ánh chính xác bức tranh kinh tế. Ví dụ như vốn vay về cho vay lại chưa bổ sung thu - chi; hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng chưa hoàn kịp và phải chuyển sang năm 2016, nếu chi năm 2015 sẽ làm cho số thu không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao… Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu cân đối NSNN năm 2015 là 1.291.342 tỷ đồng, trong đó các khoản thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 998.217 tỷ đồng, tăng 9,6% (87.117 tỷ đồng) so với dự toán. Bình luận về các số liệu này, ĐB Mai Sỹ Diến cho rằng, tăng thu là tích cực nhưng số thu chủ yếu đến từ ngân sách địa phương, với hơn 83.000 tỷ đồng. Trong đó, thu từ cấp quyền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn là không phản ánh nội lực của nền kinh tế nhưng vẫn duy trì trong giai đoạn dài 2011-2015. Bên cạnh đó, nguyên nhân tăng thu còn do các địa phương ước thực hiện thu năm 2014 thấp hơn khả năng thực hiện, chưa báo cáo hết các khoản thu trên địa bàn… Điều này cần phải làm rõ trong quá trình thẩm định dự toán của các cán bộ chuyên môn để có sự thay đổi trong những năm tiếp theo. ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chia sẻ, tăng trưởng GDP không đạt chỉ tiêu đề ra nhưng thu vẫn vượt và những khoản thu đang thể hiện sự không vững chắc khi không hẳn đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mà từ việc tăng khai thác dầu thô 2,12 triệu tấn; tăng thu từ đất. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc kỹ vì muốn cân đối bền vững thì thu phải bền vững, bội chi và vay phải từ thu vững chắc. Cũng theo ĐB Hoàng Quang Hàm, hiện nay, nợ công đã tiến đến sát ngưỡng Quốc hội cho phép. Nếu lơi lỏng kiểm soát bội chi là nợ công sẽ vượt trần. 
Quốc hội sẽ giám sát tối cao về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước ảnh 1 Đại biểu Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) phát biểu tại phiên họp
 ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) lo ngại, nghị quyết cuối năm 2014 của Quốc hội quyết định bội chi ngân sách 5% GDP. Tới ngày 11-11-2015, sau khi cân đối Chính phủ trình Quốc hội, Quốc hội ban hành nghị quyết thống nhất bội chi ngân sách là 5,71%. Tuy nhiên, tới quyết toán bội chi ngân sách đến 6,28%. Nếu điều hành ngân sách như vậy và trong những năm sắp tới, vấn đề vượt trần nợ công mà Quốc hội ban hành rất dễ xảy ra. Do đó, bài học năm 2015 cần được nghiêm túc tiếp thu để năm 2017 và những năm tiếp theo điều hành ngân sách tốt hơn. 
Cụ thể hơn việc xử lý trách nhiệm Nhiều ĐBQH khi đề cập đến chuyện chi NSNN đều nhấn mạnh, cần phải tăng cường hơn kỷ luật tài chính theo đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội. ĐB Mai Sỹ Diến cho rằng, trong vấn đề kỷ luật tài chính, xử lý cán bộ vi phạm trong sử dụng NSNN, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về vấn đề này nhưng trong báo cáo của Chính phủ còn chung chung. “Tôi thống nhất như kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội là Chính phủ phải có một báo cáo riêng nội dung kiểm điểm tổ chức, cá nhân vi phạm và có giải pháp khắc phục. Cần thực hiện nghiêm từ Trung ương đến địa phương, nếu Trung ương không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch tỉnh nghiêm, chủ tịch tỉnh không nghiêm thì sao yêu cầu chủ tịch huyện nghiêm; trên dưới không nghiêm thì liệu quốc gia có ổn định, xã tắc có bình yên?”, ĐB Mai Sỹ Diến nói.  Đồng tình quan điểm trên, ĐB Hoàng Quang Hàm cho rằng, bổ sung, chi chuyển nguồn, chi sai chế độ, lãng phí vẫn diễn ra phổ biến dù Quốc hội đã có nghị quyết về vấn đề này, nhưng trong báo cáo của Chính phủ, việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm vẫn sơ sài, “đề nghị Chính phủ cân nhắc cần có một nghị quyết để triển khai nghị quyết của Quốc hội và giao cho một cơ quan làm đầu mối theo dõi, đôn đốc và có báo cáo cụ thể, chi tiết và rõ mức độ sai phạm mà xử lý vi phạm”. ĐB Nguyễn Hồng Vân thì bày tỏ sự băn khoăn khi nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong vấn đề ngân sách, nhưng báo cáo của Chính phủ chỉ ghi chung chung là xử lý 402 tổ chức, 78 cá nhân. Vậy tính khả thi trong thực hiện nghị quyết của Quốc hội đến đâu? Giải trình về các ý kiến của ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận, những năm vừa qua bội chi NSNN vẫn đảm bảo theo con số tuyệt đối mà Quốc hội phê chuẩn, song 3 - 4 năm gần đây tăng trưởng GDP không đạt theo kế hoạch khiến tỷ lệ bội chi, nợ công trên GDP tăng nhanh. Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chúng ta phải đi vào các giải pháp sâu hơn và căn cơ hơn, phải tập trung tiết kiệm chi. Trong đó, nhiều định mức, nhiều chính sách hiện nay rất lỗi thời cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi, các loại khoán chi và đặc biệt chi thường xuyên cần đẩy mạnh khoán. 
 Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cũng đã được Quốc hội biểu quyết thông qua, với tỷ lệ 410/442 phiếu tán thành. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật riêng về DNNVV. Luật được kỳ vọng sẽ góp thêm động lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ba nhóm đối tượng DNNVV trọng tâm mà luật hỗ trợ bao gồm doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ gia đình; doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, bám theo những sản phẩm chủ lực, tạo quỹ giá trị bền vững cho sản phẩm đó tồn tại trên thị trường.
ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục