Không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích cục bộ”
Nhấn mạnh yêu cầu không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu: “Trong xây dựng pháp luật, cần phải ưu tiên cao nhất cho chất lượng, không chạy theo số lượng, cố gắng khắc phục cơ bản những tồn tại, bất cập đã được các cơ quan nhận diện và chỉ ra trong quá trình tổng kết, xây dựng Đề án”.
Cho biết vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội vào việc từ rất sớm, phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu cùng với các cơ quan của Chính phủ được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết; lãnh đạo Quốc hội đã chủ động làm việc với Thường trực cơ quan thẩm tra để nghe báo cáo, cho ý kiến về những định hướng lớn, những nội dung, yêu cầu phải đạt được trong các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội nhận định, nhờ cách làm việc sâu sát này, các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ và qua thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao chất lượng.
Theo người đứng đầu Quốc hội, tinh thần này cần tiếp tục được phát huy trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, gắn với việc triển khai thực hiện các định hướng và nhiệm vụ lập pháp được xác định trong Đề án.
“Tất nhiên, Quốc hội cũng sẽ phải đảm bảo tính liêm chính trong công tác xây dựng pháp luật”, người đứng đầu Quốc hội cam kết.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng khẳng định, với tinh thần làm việc ngày đêm để xây dựng thể chế phục vụ phát triển, nhưng Quốc hội kiên quyết không chấp nhận xem xét dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc không hoàn thành nhiệm vụ để báo cáo Quốc hội, cấp có thẩm quyền và coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, là căn cứ để xem xét, đánh giá mức tín nhiệm khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định.
Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị
Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2022, có thể coi là năm bản lề triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Theo tiến độ xác định trong Đề án đã được Bộ Chính trị thông qua, có 95/137 nhiệm vụ lập pháp cần phải hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu trong thời gian từ nay đến hết năm 2022, trong đó có 40 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 30-6-2022, 55 nhiệm vụ phải hoàn thành trước ngày 31-12-2022. Đây là một thách thức không nhỏ, vì trong thời gian ngắn (khoảng hơn 1 năm) phải hoàn thành số lượng nhiệm vụ rà soát, nghiên cứu rất lớn, chiếm 69% tổng số nhiệm vụ lập pháp được xác định của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Để hoàn thành khối lượng công việc rất đồ sộ này, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, nhất là người đứng đầu, cần trực tiếp chỉ đạo và khẩn trương triển khai ngay các nhiệm vụ lập pháp được giao. Hiện nay, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, 2022 đều đã được Quốc hội thông qua, nhưng số lượng các dự án trình Quốc hội còn khá khiêm tốn, nhất là các dự án để “gối đầu” cho năm tiếp theo. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan sớm hoàn thành công tác rà soát, nghiên cứu để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, kịp thời đề xuất bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và cho việc lập Chương trình năm 2023, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.