Trước đó, trong thông điệp trước Quốc hội Liên bang ngày 21-2, Tổng thống Putin khẳng định, Nga đình chỉ việc tham gia New START, nhưng không rút khỏi. Ông Putin tuyên bố, bất kỳ động thái nào của Nga trở lại đàm phán về vấn đề này sẽ đòi hỏi làm rõ về khả năng tấn công hạt nhân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng: “Quyết định đình chỉ New START có thể đảo ngược. Nhưng để điều đó diễn ra, Mỹ phải thể hiện nỗ lực hết sức vì mục đích giảm leo thang căng thẳng chung và tạo điều kiện nối lại việc thực thi đầy đủ nội dung của hiệp ước”. Theo Bộ Ngoại giao Nga, New START có tiềm năng đóng góp vào việc củng cố an ninh quốc tế và ổn định chiến lược. Tuy nhiên, tiềm năng đó chỉ mở ra khi hai bên cùng thực hiện hiệp ước một cách cân xứng, bình đẳng và triệt để.
Phản đối quyết định của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố sẽ quan sát xem Moscow thực sự muốn gì và Mỹ vẫn sẵn sàng thảo luận về các hạn chế vũ khí chiến lược với Nga bất cứ lúc nào.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, năm 2018, Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga. Sau khi Mỹ rút khỏi INF, New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới. Hiệp ước được ký kết năm 2010 nhằm hạn chế kho vũ khí của hai nước ở mức tối đa là 1.550 đầu đạn hạt nhân, giảm gần 30% so với mức đặt ra hồi năm 2002. Vào tháng 1-2021, Tổng thống Putin đã nhất trí gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm, tới năm 2026. Mỗi năm Moscow và Washington được thực hiện tối đa 20 lần thanh sát lẫn nhau trong khuôn khổ New START.
Mặc dù phía Bộ Ngoại giao Nga cho biết sẽ tiếp tục tuân thủ các hạn chế của New START nhưng rõ ràng Mỹ khó giám sát cam kết này. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng Nga có thể sẽ ngừng chia sẻ dữ liệu, chẳng hạn thông báo về những bước đi liên quan đến vũ khí hạt nhân. Động thái mới của Nga là một tín hiệu nữa cho thấy niềm tin ngày càng xói mòn giữa 2 quốc gia nắm giữ 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới.
Trả lời báo giới về việc Nga tạm dừng tham gia New START, ông Stephane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, theo lập trường của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Mỹ và Nga cần nối lại không chậm trễ việc thực hiện đầy đủ New START.
Theo ông Andrey Baklitskiy, nhà nghiên cứu cấp cao về vũ khí hủy diệt hàng loạt và chương trình vũ khí chiến lược tại Viện Nghiên cứu giải trừ quân bị của LHQ, quyết định của Nga mang tính chính trị và có thể dễ dàng đảo ngược nếu quan hệ chính trị tổng thể thay đổi. Ngoài ra, vì hiệp ước vẫn tồn tại, nên quay trở lại thực thi là có khả năng.