Quốc hội khảo sát thực tế để gỡ vướng cho metro Bến Thành - Suối Tiên

Sau khi khảo sát thực tế việc triển khai tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tại công trình dự án, trả lời PV Báo SGGP về những vấn đề liên quan đến kiến nghị của TPHCM, ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, theo chương trình làm việc của đoàn các Ủy ban của Quốc hội, đoàn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào để khảo sát thực tế tuyến metro số 1 và 3a, đồng thời làm việc với UBND TPHCM về tuyến metro số 2.

 

 Đoàn Ủy ban Kinh tế Quốc hội khảo sát thực tế tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Đoàn Ủy ban Kinh tế Quốc hội khảo sát thực tế tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Ngày 25-6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cùng các bộ ngành và lãnh đạo UBND TP đã có buổi thị sát thực địa tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, dự kiến tuyến metro số 1 sẽ đưa vào khai thác vận hành vào năm 2018, nhưng do chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, thay đổi thiết kế kỹ thuật, quy trình thẩm tra, phê duyệt dự toán, phân chia gói thầu… đến nay mới hoàn thành khoảng 50% khối lượng thi công và phải lùi tiến độ vận hành vào năm 2020.
Thẩm định việc tăng vốn đầu tư tuyến metro số 1, Bộ GT-VT đã chỉ ra nguyên nhân tăng vốn đầu tư là do nghiên cứu lập dự án vào năm 2006, khi đó Việt Nam chưa đủ các định mức, đơn giá áp dụng cho loại công trình đường sắt đô thị, nên việc xác định tổng mức đầu tư của đơn vị tư vấn chỉ dựa trên cơ sở suất đầu tư của các công trình tương tự ở khu vực châu Á.
Hơn nữa, do thiếu kinh nghiệm thực tế nên việc tính toán tổng mức đầu tư dự án mang tính bình quân của một tuyến xe điện, chưa tính toán xây dựng trung tâm điều khiển chung cho cả hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, chưa đề cập vấn đề an toàn vận hành, bảo dưỡng.
Ngoài ra, yếu tố trượt giá nguyên liệu, nhiên liệu, tăng lương tối thiểu, thay đổi chi phí dự phòng cũng làm tăng đáng kể tổng mức đầu tư dự án metro số 1.
Quốc hội khảo sát thực tế để gỡ vướng cho metro Bến Thành - Suối Tiên ảnh 1
Quốc hội khảo sát thực tế để gỡ vướng cho metro Bến Thành - Suối Tiên ảnh 2  Đoàn Ủy ban Kinh tế Quốc hội khảo sát thực tế tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án hiện nay, Bộ KH-ĐT cho rằng Quốc hội vẫn chưa ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án. Do đó, để đảm bảo tính chặt chẽ trong triển khai dự án với mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng vào năm 2020, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định về tổng mức đầu tư của dự án.
Quốc hội khảo sát thực tế để gỡ vướng cho metro Bến Thành - Suối Tiên ảnh 3 Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng vào năm 2020
Về phân bổ vốn ODA nguồn ngân sách Trung ương, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc giải ngân vốn ODA được thực hiện theo tiến độ dự án và theo Hiệp định vay, phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Luật Đầu tư công năm 2014. Việc này sẽ gắn trách nhiệm của các Bộ, tỉnh, thành phố, Ban Quản lý dự án với tiến độ giải ngân, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nâng cao hiệu quả đầu tư dự án và tránh các hệ lụy liên quan.
Để đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu trong thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến tổng mức đầu tư theo quy định, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính sớm tham mưu việc ứng trước kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 288/TB-VPCP ngày 5 -7- 2017.
Nhằm tránh ảnh hưởng đến việc lập và phân bổ vốn nói riêng, tiến độ dự án nói chung, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT cùng Bộ Tài chính làm việc với UBND TP để sớm xác định các hạng mục và giá trị vay lại của dự án. 
Sau khi khảo sát thực tế việc triển khai tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, tại công trình dự án, trả lời PV Báo SGGP về những vấn đề liên quan đến kiến nghị của TPHCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, theo chương trình làm việc của đoàn các Ủy ban của Quốc hội, đoàn Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào để khảo sát thực tế tuyến metro số 1 và 3a, đồng thời làm việc với UBND TP về tuyến metro số 2.
Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành giữa TPHCM, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội phối hợp với nhau, đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn các dự án tuyến metro thành phố cho phù hợp với các hiệp định vay mà chính phủ đã ký kết và phù hợp với thực tế thi công trên công trường.
Quốc hội khảo sát thực tế để gỡ vướng cho metro Bến Thành - Suối Tiên ảnh 4 Một góc tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên
Về việc đội vốn của 2 dự án tuyến 1 và 2, ông Kiên cho biết đợt công tác này có một số cơ quan của Chính phủ, trong đó có Bộ GT-VT, Bộ KH-ĐT, đoàn sẽ tìm hiểu xem việc đội vốn các dự án có thay đổi gì về thiết kế, hướng tuyến, kết cấu và chiều dài tuyến, công năng sử dụng của các nhà ga dẫn đến tổng mức đầu tư các dự án phải điều chỉnh hay không.
Cũng theo ông Kiên, hiện nay Quốc hội đã có Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố, các đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với thành phố để giải quyết công việc hiệu quả nhất.
Mới đây, UBND TP đã có kiến nghị có chính sách cho cấp tỉnh, thành tự phê duyệt dự án đường sắt đô thị. Về vấn đề này, ông Kiên cho rằng, Bộ GT-VT, Bộ KH-ĐT và đoàn của Quốc hội sẽ trao đổi với thành phố những gì hiện nay theo luật, cái nào thuộc thẩm quyền của chính phủ, cái nào thuộc thẩm quyền của thành phố, căn cứ theo Nghị quyết cơ chế đặc thù, cái nào vượt quá cơ chế đặc thù thì phải kiến nghị. Bây giờ, phải căn cứ vào kiến nghị của thành phố, xem điểm nào phù hợp, điểm nào chưa phù hợp để cùng có biện pháp xử lý.
Theo luật đường sắt năm 2005 và năm 2017, các tuyến đường sắt đô thị do UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định đầu tư nhưng theo quy định thống nhất của luật đầu tư theo ngân sách và luật đầu tư công. Trước khi có luật đầu tư công năm 2014 thì thực hiện theo Nghị quyết 49 về dự án công trình trọng điểm quốc gia và trước đó là nghị quyết 66 của Quốc hội về các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Như vậy phải thực hiện theo đúng quy định.
Mới đây nhất chúng ta có thông qua luật Thủ đô và vừa rồi là Nghị quyết 54 cho thành phố, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho năng động nhất và thực hiện vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế đất nước.

Tin cùng chuyên mục