Sáng ngày 10-2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 42. Theo dự kiến chương trình, phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong hai ngày làm việc: ngày 10-2 và 11-2.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, năm 2020 là năm rất có ý nghĩa đối với nước ta, là năm có nhiều sự kiện trọng đại, cũng là năm mà tất cả các cấp các ngành trong đó có Quốc hội triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, nặng nề.
Ngay từ đầu năm, cả nước đã phải đối mặt với tình hình khó khăn là dịch bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra với mức độ diễn biến hết sức phức tạp. Chính phủ đã có những biện pháp phòng, chống dịch chủ động, chặt chẽ, tích cực... Người dân cũng chủ động phối hợp phòng ngừa.
Chủ tịch Quốc hội nhận định, trong những ngày qua, Chính phủ đã rất khẩn trương, chủ động, vừa chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội; vừa chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh.
Một nội dung đáng lưu ý trong dự thảo là đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, trong đó hành vi vi phạm trong lĩnh vực báo chí có thể bị phạt tới 250 triệu đồng (hiện hành mức tối đa là 100 triệu đồng).
Cụ thể, giao thông vận tải đường bộ và phòng, chống tệ nạn xã hội từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng; cơ yếu, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia, giáo dục từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng; điện lực từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ 100 triệu lên 200 triệu; quản lý công trình thủy lợi (sửa đổi thành lĩnh vực thủy lợi), báo chí từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng; kinh doanh bất động sản tăng từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, các tài liệu trong hồ sơ chưa làm rõ sự cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa của các lĩnh vực. Báo cáo tổng kết thi hành Luật cũng chưa đề cập đến những khó khăn, vướng mắc liên quan đến mức phạt tiền tối đa làm cơ sở để sửa đổi. Ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể, thiếu thuyết phục.
“Thực tế cho thấy, biện pháp hữu hiệu hơn để bảo đảm tính răn đe và giáo dục của việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) là thực hiện nghiêm nguyên tắc “mọi hành vi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hoàng Thanh Tùng nêu nhận định.
Mặt khác, Ủy ban Pháp luật nhận thấy một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi VPHC (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật XLVPHC mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp.
Báo cáo dẫn vụ sàm sỡ, ép hôn cô gái trong thang máy xảy ra ở quận Thanh Xuân, Hà Nội hay vụ tấn công tình dục xảy ra ở Đông Hà, Quảng Trị chỉ bị xử phạt hành chính 200.000 đồng là do Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định.