Sáng 6-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu mở đầu phiên chất vấn của Quốc hội. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ diễn ra trong 2,5 ngày. Đây là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, với đặc điểm là kỳ họp gần cuối nhiệm kỳ nên Quốc hội không tiến hành lựa chọn nhóm vấn đề và tập trung chất vấn 4 thành viên Chính phủ như thường lệ, thay vào đó là chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các Nghị quyết về giám sát chuyên đề và các Nghị quyết chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết chất vấn khóa XIII.
Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ (lần đầu giữa nhiệm kỳ, tại Kỳ họp thứ 6), Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết chất vấn của Quốc hội theo quy định của Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND.
“Các báo cáo cho thấy nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc và quyết tâm cao của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong triển khai hiện yêu cầu của Quốc hội, dù đối diện nhiều khó khăn thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 và thiên tai. Kết quả đó là đáng ghi nhận và tạo niềm tin trong nhân dân và xã hội”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần chủ động, sâu sát, làm rõ vấn đề tồn tại, nhiệm vụ chưa hoàn thành, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp để xây dựng nghị quyết chuyển giao cho Quốc hội khoá sau theo dõi, giám sát.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí lần lượt trình bày các báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về những nội dung trên, trước khi Đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Một mặt khẳng định những kết quả quan trọng, mặt khác, bản báo cáo cũng đã nêu rõ những việc triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra. Chẳng hạn, trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự đi vào cuộc sống; tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2019, nhất là vốn ODA còn chậm.
Trong lĩnh vực tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra; còn tình trạng thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế; sử dụng vốn vay tại một số dự án chưa hiệu quả.
Trong lĩnh vực ngân hàng, việc cơ cấu lại các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng kiểm soát đặc biệt, ngân hàng yếu kém chưa đạt yêu cầu; nợ xấu chương trình cho vay theo Nghị định 67 vẫn gia tăng, các chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ; quá trình xử lý nợ xấu có một số khó khăn, vướng mắc về khuôn khổ pháp lý.
Tiếp đến, công tác quản lý thị trường còn bất cập. Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém ngành công thương có nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đúng kế hoạch. Một số bất cập giữa quy hoạch và đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện còn chưa được xử lý triệt để. Quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện có nơi còn chưa chặt chẽ, còn có dự án thủy điện nhỏ có tác động đáng kể đến môi trường… là những nhược điểm trong lĩnh vực công thương.
Đáng lưu ý, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc chưa tổ chức biên soạn được 1 bộ sách giáo khoa lớp 1 đầy đủ các môn học theo Nghị quyết 88 của Quốc hội; một số sách giáo khoa như cuốn Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều có nội dung chưa phù hợp, sai sót, cần phải chỉnh sửa bổ sung, chưa có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút giáo viên về công tác tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa. Công tác quản lý về dạy thêm, học thêm còn bất cập...
Với y tế, chất lượng y tế còn chưa đồng đều giữa các tuyến, các vùng miền; việc quản lý, quản trị các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế lớn còn xảy ra một số vụ việc tiêu cực (như mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế); tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trung ương chưa được giải quyết dứt điểm; nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm do tập quán, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ vẫn cao...
Về lao động, thương binh và xã hội, Phó Thủ tướng chỉ rõ, mặc dù trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm được cho trên 7,5 triệu lao động, trong đó lao động thanh niên chiếm khoảng 60%, song cơ cấu đào tạo nghề chưa theo kịp thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao. Bạo lực và xâm hại trẻ em ở một số nơi chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời. Kết quả tập trung cai nghiện ma túy còn hạn chế.
Trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, mặc dù một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số như Hệ thống báo cáo quốc gia, Hệ thống thông tin họp, xử lý công việc của Chính phủ, Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh. Trục liên thông văn bản quốc gia đã tạo chuyển biến trong việc sử dụng, gửi, nhận văn bản điện tử, đến nay đã có trên 3,3 triệu văn bản điện tử.
Sau 9 tháng vận hành, Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 2.200 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với 84 triệu lượt người truy cập và 23 triệu hồ sơ được đồng bộ.
Tuy nhiên, tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, Internet, thuê bao ảo, tin nhắn rác chưa được xử lý triệt để. Các cơ sở dữ liệu quốc gia đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện, tiến độ triển khai chậm. Việc kết nối, chia sẻ, tích hợp các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia còn hạn chế. Số lượng dịch vụ công trực tuyến chưa cao, nhiều địa phương chưa chú trọng cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử.
Đặc biệt, về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, theo báo cáo, tại một số địa bàn còn tiềm ẩn điểm nóng, phức tạp về an ninh trật tự; số vụ phạm pháp hình sự vẫn có chiều hướng gia tăng; tội phạm ma túy vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm chống người thi hành công vụ tăng; công tác quản lý người nghiện ma túy còn bất cập.
Công tác phòng, chống tham nhũng được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thể chế về phòng, chống tham nhũng được hoàn thiện. Các cơ quan chức năng đã xây dựng trình Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6; ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22-4-2019 về tăng cường, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo. Việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế.