Quốc hội giao Chính phủ phát triển nhà ở xã hội cho thuê tại khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công

Chiều 23-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Kết quả biểu quyết cho thấy, 421/423 đại biểu có mặt tán thành, đạt tỷ lệ 87,89%.

Tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ

Nghị quyết nêu rõ, chính sách và pháp luật liên quan đến quản lý thị trường bất động sản hiện thuộc nhiều ngành, lĩnh vực và do nhiều cơ quan, đơn vị chủ trì, dẫn đến sự thiếu thống nhất trong quan điểm tiếp cận, xây dựng và thực hiện.

0b6dbb2e33bf88e1d1ae.jpg
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu dự phiên họp Quốc hội chiều 23-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Hệ thống pháp luật còn chậm được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của người dân. Việc tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực này vẫn là khâu yếu, hiệu quả chưa cao. Các địa phương còn tồn tại tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ, dẫn đến việc chỉ đạo các dự án thiếu sát sao, giải quyết thủ tục không kịp thời.

Đặc biệt, nhiều địa phương chưa chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người lao động khu công nghiệp. Việc quy hoạch, bố trí quỹ đất dành cho các dự án nhà ở xã hội độc lập còn chưa được quan tâm đúng mức.

Nghị quyết chỉ ra, trách nhiệm chính đối với những tồn tại này thuộc về các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương, cùng các chủ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản. Các chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, trách nhiệm với khách hàng, cũng như các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, quy hoạch và huy động vốn.

309a9cba102bab75f23a.jpg
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết chiều 23-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Nghị quyết giao Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rà soát toàn diện những tồn tại, hạn chế trong chính sách và pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Chính phủ được yêu cầu chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đưa ra cơ chế giải quyết các vướng mắc thực tiễn dựa trên đánh giá khách quan về quá trình thực hiện pháp luật qua từng thời kỳ.

Một nhiệm vụ quan trọng là xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý hoặc bị đình trệ kéo dài. Điều này nhằm giải phóng nguồn lực cho thị trường, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự, đồng thời làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp cải tạo các chung cư cũ xuống cấp, bảo đảm an toàn và điều kiện sống cho người dân. Việc rà soát, khắc phục tình trạng chậm đưa vào sử dụng các công trình tái định cư cũng được yêu cầu nhằm tránh lãng phí.

Tập trung phát triển nhà ở xã hội

Chính phủ được giao nhiệm vụ giám sát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu và nghĩa vụ đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản, cũng như hệ thống thông tin về đất đai.

2abec05874c9cf9796d8.jpg
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết chiều 23-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Nghị quyết yêu cầu tiếp tục ngăn chặn tình trạng “phát triển nóng” hoặc “đóng băng” thị trường bất động sản, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần đưa ra các giải pháp căn cơ để giá bất động sản phản ánh đúng giá trị nội tại, ngăn chặn hành vi thao túng giá qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Đối với nhà ở xã hội, cần tập trung phát triển các dự án nhà ở xã hội cho thuê tại khu vực đô thị bằng nguồn vốn đầu tư công. Các chính sách ưu đãi mạnh mẽ để thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cũng cần được ban hành nhằm xây dựng mới và cải tạo chung cư cũ, đồng thời chỉnh trang đô thị.

Chính phủ được yêu cầu khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công việc tại các cơ quan, đơn vị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là yêu cầu cần thiết để nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra. Qua đó, kịp thời phát hiện các yếu kém, vướng mắc trong thực thi pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với tỷ lệ 413/422 đại biểu Quốc hội có mặt, chiếm tỷ lệ 86,22%.

Tin cùng chuyên mục