Theo dự thảo báo cáo, đây là chuyên đề giám sát khó; nội dung, phạm vi giám sát rộng do thị trường bất động sản và nhà ở xã hội liên quan nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, liên quan trách nhiệm quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương.
Trong thời kỳ giám sát đã có nhiều sự thay đổi về chính sách, pháp luật; thị trường bất động sản không chỉ bao gồm những dự án mới triển khai mà còn có nhiều dự án đã tồn tại, giao dịch trên thị trường bất động sản bao gồm cả những giao dịch dân sự của người dân, dẫn đến có những thông tin, số liệu không thể thu thập đầy đủ.
Đoàn giám sát đã tổ chức 4 phiên họp; tổ chức 3 đoàn công tác làm việc trực tiếp với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, làm việc với Chính phủ, 8 bộ, ngành, cơ quan Trung ương; tổ chức các tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại; tham khảo, kế thừa kết quả giám sát trước đó có liên quan, kết quả tổng kết thi hành các luật và kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chuyên môn.
Kết quả giám sát đã khái quát tình hình thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023; tình hình phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; đưa ra các nhận xét về kết quả đạt được trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản; kết quả đạt được trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội; đồng thời phân tích những tồn tại, hạn chế và chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Đoàn giám sát cũng nêu nhiều kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan...
Sau phiên họp này, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo báo cáo giám sát sẽ được trình để Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua nghị quyết chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 8.