Cuộc bình chọn không dựa trên tiêu chí quốc gia lớn nhất, giàu nhất hoặc hạnh phúc nhất mà là “quốc gia được cải thiện nhiều nhất”. Thành tích đáng khen ngợi dành cho Italy vì chính sách của nước này, bao gồm kết quả hồi phục kinh tế và chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 với tỷ lệ “cao nhất châu Âu”.
Đầu tháng 12, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã nâng cấp xếp hạng nhà phát hành ngoại tệ dài hạn (IDR) của Italy từ mức BBB trừ lên mức BBB với đánh giá triển vọng ổn định. Fitch dự báo kinh tế Italy sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm nay, cao hơn dự báo trước đây. Tăng trưởng kinh tế quý 2 và quý 3-2021 lần lượt là 2,7% và 2,6%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của Khu vực đồng EUR (Eurozone).
Dự báo trong quý 1-2022, GDP của Italy sẽ trở lại mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tức 2 năm sau mức sụt giảm 18% trong năm 2020. Những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng là tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cao, mức độ tiết kiệm của khu vực tư nhân cao, việc sử dụng hiệu quả các khoản quỹ tài trợ của Liên minh châu Âu và sự gia tăng đáng kể trong đầu tư công - tư.
Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Y tế Italy, sau 12 tháng triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19, nước này tiệm cận mốc 100 triệu lượt tiêm và đang đứng đầu châu Âu với tỷ lệ hơn 88% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi gần 85% đã tiêm đủ 2 mũi.
Dưới sự điều hành của cựu lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi, tình hình Italy đã tốt hơn một năm trước.
Trước đó, Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng đứng đầu bảng xếp hạng hàng năm về những người có tầm ảnh hưởng nhất EU do trang mạng Politico.eu thực hiện. Nếu đưa đất nước thoát khỏi vòng xoáy khủng hoảng, ông Draghi có thể sẽ là người cuối cùng tìm ra công thức giúp Italy chấm dứt hơn 20 năm kinh tế ảm đạm.
Ông Mario Draghi sẽ chứng minh được tính hiệu quả của Quỹ phục hồi của Ủy ban châu Âu để giúp các nước phục hồi sau khủng hoảng đại dịch Covid-19.