Dòng thông báo khiến khán giả bức xúc, nghi ngờ liên quan tới BH Media bởi trước đó đơn vị này từng gây ồn ào vì được cho là “đánh gậy bản quyền” liên quan tới Quốc ca trước đó trên YouTube. Tuy nhiên, ngay sau đó đại diện truyền thông BH Media đã lên tiếng rằng vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media.
“Trong trận đấu Việt Nam - Lào, không hề có bên nào "đánh bản quyền" Tiến quân ca (Quốc ca), mà chỉ là do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng để phòng xa, tránh bị mất doanh thu như kênh YouTube của FPT mà thôi”, đại diện truyền thông BH Media giải thích. Hiện nay có rất nhiều đơn vị sản xuất bản ghi Tiến quân ca, cả trong nước và ngoài nước. Theo Luật Sở hữu trí tuệ nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi, bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất, BH Media nêu.
Sự lo ngại này bắt nguồn từ sự việc trước đó, trong trận bóng đá Việt Nam - Ả Rập Xê Út diễn ra tối 16-11 tại Việt Nam, kênh YouTube của FPT (đơn vị có bản quyền tiếp sóng trận đấu này) đã không thể thu được tiền vì lý do trận đấu dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa nước ngoài sản xuất. Trên thực tế, ban tổ chức sân đã chọn bản ghi Tiến quân ca của Hãng đĩa Marco Polo. Đây là bản ghi mà hãng đĩa này bỏ tiền sản xuất và đã đăng ký bản quyền trên YouTube. Theo luật, bất kỳ ai muốn sử dụng bản ghi này thì phải xin phép nhà sản xuất.
Liên quan tới bản quyền của bản nhạc Tiến quân cao, ngày 15-7-2016, đã diễn ra lễ tiếp nhận bài Tiến quân ca, truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Văn Cao được tổ chức tại Nhà Quốc hội Việt Nam, nhà thơ - họa sĩ Văn Thao (con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao) đã công bố văn bản hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca. Văn bản có đoạn: “Bằng văn bản này, gia đình chúng tôi trân trọng hiến tặng bài Tiến quân ca, cả phần nhạc và phần lời cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”.