Có cũng như không!
Cuối tuần, khách mua hàng tại các siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM khá tấp nập. Chúng tôi theo chân chị Đông Liên ngụ tại đường Phan Văn Hớn (quận 12) mua hàng tại một siêu thị lớn ở quận Tân Phú.
Cầm smartphone trên tay, chị Liên cẩn thận dùng app quét mã vạch đọc xuất xứ một số mặt hàng bánh kẹo, dầu ăn, mỹ phẩm, thịt gia súc, gia cầm các loại. Thông tin sau quét mã cho ra nơi sản xuất, trọng lượng sản phẩm, cách dùng… Nhưng không phải tất cả mọi mặt hàng đều đọc được, nhất là các loại trái cây, rau củ.
Phản hồi từ các phần mềm quét mã ghi là “sản phẩm chưa có tên trên hệ thống”, “sản phẩm chưa kiểm chứng, khách hàng nên cẩn trọng”, trong khi các mặt hàng trái cây, rau củ này đều được giới thiệu nhập khẩu từ Anh, Mỹ, Australia, hoặc được sản xuất tại các khu nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam. Chúng tôi thử ghé một số siêu thị khác, tình trạng đọc mã “chập chờn” như trên cũng xảy ra.
Qua trao đổi với một số doanh nghiệp (DN) được biết, trên thị trường hiện có hàng loạt phần mềm có thể cập nhật thông tin sản phẩm dễ dàng. Ví dụ như Icheck, B. check, V. check… Tuy vậy, các app này thuộc một số công ty quản lý. DN có sản phẩm muốn đưa vào hệ thống kiểm tra thông tin trên các app thì phải trả phí.
Nhiều quảng cáo từ các app khẳng định có khả năng phân biệt hàng thật - giả thông qua phần mềm quét mã vạch, nhưng thực sự có đúng như quảng cáo hay không thì vẫn còn là ẩn số. Bởi mấu chốt vấn đề chính là các app chỉ đọc hộ thông tin mà thôi. Nếu DN có sản phẩm nhưng không bỏ tiền mua dịch vụ từ app thì app không tải lên, không có thông tin (nhưng cũng không đồng nghĩa rằng đó là sản phẩm giả mạo).
Anh Nguyễn Văn Lương, một người tiêu dùng ngụ tại quận 10, thắc mắc: “Điện thoại mình có cài Icheck, Barcode Việt. Mình thử đọc thông tin của các thương hiệu chính hãng (nước uống, dầu gội…), liền nhận được cảnh báo rằng sản phẩm chưa được kiểm chứng và xác thực thông tin từ nhà sản xuất, nhà nhập khẩu hay đơn vị sở hữu, nên xem xét kỹ sản phẩm trước khi mua. Lạ ở chỗ, nước uống, dầu gội mình mua tại các siêu thị lớn. Không lẽ, hàng mình mua là hàng dỏm?”.
Cần một quy trình giám sát chặt chẽ hơn
Đem những thắc mắc trên trao đổi với đại diện một số siêu thị trên địa bàn TPHCM và câu trả lời là: “Mã vạch chỉ là chìa khóa đưa khách hàng, DN đến với kho dữ liệu thông tin về sản phẩm, chứ không hẳn dùng nó để phân biệt hàng thật và hàng giả. Bởi muốn phân biệt được lại phải căn cứ vào hàng loạt yếu tố khác nữa”. Các dãy số của mã vạch chỉ giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa mà thôi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, thông qua mã vạch sẽ hạn chế tình trạng gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi cho người mua hàng cũng như các DN. Khách nắm được lai lịch sản phẩm để tránh tình trạng mua nhầm hàng. Tại TPHCM, việc kiểm tra mã vạch của trái cây, rau củ quả do Sở NN-PTNT quản lý; việc truy xuất nguồn gốc gia súc, gia cầm sẽ do Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP giám sát. Nhìn chung, việc truy xuất nguồn gốc các mặt hàng thông qua mã vạch vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề. |
Thông tin thêm về các phần mềm quét mã vạch hiện nay, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Vina CHG, đánh giá mục tiêu quét mã truy xuất nguồn gốc nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc quản lý. Tuy vậy, hiện nay việc áp dụng mã vạch chỉ mang tính khuyến khích, chưa bắt buộc, nên phụ thuộc nhiều vào năng lực cũng như trách nhiệm của chính DN.
Ngoài ra, việc quét mã còn phụ thuộc vào các tem QR, các app mà DN áp dụng. Để việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng thông qua các app trên điện thoại thông minh thì cần có một quá trình giám sát, quản lý chặt chẽ. Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng nên chủ động bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách lựa mua sản phẩm ở những nơi uy tín, thay vì lệ thuộc vào các app.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam: Không nên trông chờ vào các app quét mã Mã vạch là một ký hiệu tổ hợp các khoảng trắng và vạch thẳng để biểu diễn các mẫu tự, ký hiệu và các con số, ngày nay chúng còn được in theo các mẫu của các điểm, theo các vòng tròn đồng tâm hay ẩn trong các hình ảnh. Mã vạch có thể được đọc bởi các thiết bị quét quang học - gọi là máy đọc mã vạch, hay được quét từ hình ảnh bằng các phần mềm chuyên biệt. Nó không phải là số phân loại hay chất lượng của hàng hóa, trên mã số cũng không có giá cả của hàng hóa. Nhiều người tiêu dùng vẫn thường nhầm lẫn việc quét mã vạch để truy xuất hàng hóa thật hay giả, đây là một sai lầm lớn bởi bản thân mã vạch chỉ là một dãy số đại diện cho hàng hóa, không liên quan đến đặc điểm của hàng hóa. Dãy mã vạch được in trên bao bì sản phẩm chỉ có thể giúp người tiêu dùng kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa đó (như sản xuất ở nước nào, công ty sản xuất, giá cả sản phẩm), chứ hoàn toàn không có chức năng để phân biệt hàng thật, hàng giả. Hiện nay, có rất nhiều phần mềm được tạo ra để người tiêu dùng có thể kiểm tra được xuất xứ của hàng hóa thông qua việc quét mã vạch. Tuy nhiên, để có thông tin sản phẩm trên các ứng dụng này, các DN sản xuất phải đăng ký thông tin công ty, sản phẩm cho các công ty phần mềm để được cập nhật lên hệ thống. Sau khi cập nhật thành công thì người mua hàng mới có thể tìm kiếm thông tin sản phẩm chính xác. Vì thế, việc có truy xuất được thông tin sản phẩm hay không chỉ phụ thuộc vào ứng dụng check mã, mà dựa vào việc sản phẩm đó có được DN sở hữu đăng ký các dịch vụ thông tin thương phẩm hay không. Có rất nhiều DN chỉ đăng ký mã vạch cho sản phẩm mà không ứng dụng thêm các giải pháp mã vạch truy xuất thông tin, khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc kiểm tra thông tin, xuất xứ sản phẩm. Tuy vậy, cũng có app chỉ đọc được một số mặt hàng nhất định, còn các mặt hàng khác quét không ra, do nhiều nguyên nhân. Mặt khác, các cơ quan chuyên trách nhà nước cần nâng cao việc kiểm tra, giám sát về hoạt động mã số, mã vạch, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Cụ thể, tại Điều 1 Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã có quy định chi tiết. Chẳng hạn như Bộ KH-CN giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về mã số, mã vạch và các công nghệ dựa trên nền tảng mã số, mã vạch. Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng là cơ quan thường trực giúp Bộ KH-CN thực hiện quản lý nhà nước về mã số, mã vạch. Trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo có được những sản phẩm chất lượng tốt, thay vì trông chờ vào các app quét mã, người tiêu dùng nên chủ động bằng những cách như: Lựa chọn địa chỉ mua hàng uy tín, được nhiều người tin cậy; để ý đến giá (giá tiền không phải yếu tố quyết định nhưng sản phẩm chính hãng thường không có giá quá rẻ), nếu rẻ quá thì bạn nên cân nhắc; chọn sản phẩm còn nguyên niêm phong (seal) và giấy bóng kính; để ý các chi tiết trên hộp sản phẩm, vì hàng chuẩn thường có vỏ hộp được in cẩn thận, rõ ràng, hài hòa về mặt thẩm mỹ và cực kỳ ít lỗi sai; quan trọng hơn cả, mã vạch không hoàn toàn là công cụ để kiểm tra hàng giả hàng nhái. |