Hồi trẻ, khi bắt đầu sự nghiệp học hành, công việc thì nhiều người đã băn khoăn lựa chọn đi sang nước khác hay ở lại Việt Nam. Khi đi rồi, trong một số năm ban đầu cũng sẽ phân vân: ở hay về? Bây giờ bước sang khúc khác của cuộc đời, lại trăn trở với câu hỏi: ở đâu khi hưu trí?
Thực tế, cũng không nhất thiết chỉ có 2 phương án: trở về quê hương bản quán hay ở lại nơi mình đã quen thông thổ hàng chục năm, con và cháu lớn lên, nói thứ tiếng khác.
Giờ đây, nhiều người gốc Việt đã chọn nơi an dưỡng tuổi già ở các mạn ven biển Nam Âu như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy, đảo Cyprus… Những nơi đó có thời tiết ấm áp, giá bất động sản ổn định, phí sinh hoạt thấp hơn mà lại gần với Đức, Pháp, Ba Lan…, những nước nhiều kiều bào đang định cư; việc đi lại thuận tiện hơn so với bay 12 giờ về Hà Nội hay TPHCM.
Nhiều năm trước, khi đang lững thững đi bộ dọc bờ biển Algarve ở Bồ Đào Nha, chúng tôi gặp một người đàn ông khoảng 80 tuổi, gương mặt khắc khổ hằn sâu nhiều nếp nhăn. Ông vừa đi câu cá về, vai vắt một con cá chình đã xẻ làm đôi, phơi se một nắng. Ông bắt chuyện với chúng tôi bằng tiếng Anh. Hóa ra ông đã đi khắp nơi trên thế giới, đã đến cả Việt Nam, đã làm đủ thứ nghề để thỏa lòng xê dịch của mình.
Đó là một người Bồ Đào Nha cổ điển đúng tinh thần phiêu lưu khám phá như thời của những nhà hàng hải vĩ đại Bồ Đào Nha mở ra hải trình nối các đại dương từ thế kỷ 15, 16. Ông say mê kể về khoảng thời gian sống ấn tượng nhất của mình tại các vùng đất tuyệt vời nhất trên thế giới, nhưng kết chuyện ông thở dài và bảo: “Tôi vẫn cần trở về nhà mình. Mặc dù cha mẹ tôi đã không còn nữa, anh chị em tôi cũng mỗi người một nơi, không có ai chờ tôi, nhưng tôi vẫn muốn về sống những năm cuối đời ở quê hương mình”.
Câu chuyện của người Bồ Đào Nha đó đã gợi trong tôi nhiều suy nghĩ. Mới đây, khi tôi chia sẻ với tri kỷ, người này đã rất ngạc nhiên khi biết ý định của tôi sẽ sống lúc tuổi già ở Việt Nam. Anh hỏi vì sao cuộc sống giữa lòng châu Âu, ở một nước văn minh hàng đầu thế giới, thời tiết ôn hòa, không khí trong lành, thưởng thức nhịp sống chậm, hàng ngày nhìn ngắm phong cảnh hữu tình, ăn những món ngon mình thích, uống những thức rượu vừa ý, thỏa chí tang bồng lại không hơn quê nhà nhiều khi chật chội, ồn ào và nóng bức?
Tôi lại nghĩ khác. Tuy ở quê hương có nhiều điều còn chưa đúng ý, nhưng vẫn là môi trường sống mà mỗi người sinh ra, lớn lên ở đó đều thấy gần gũi, thuộc về. Người xa xứ hồi trẻ di cư vì nhiều lý do và đa phần khi về già đều muốn hồi hương để hàng giây hàng phút được nghe thấy tiếng mẹ đẻ lao xao xung quanh mình, để hít thở bầu không khí quê nhà, để ăn những món quen thuộc, để thấy mình lại có cảm giác thuộc về một nơi nào đó chứ không chỉ là ở bên lề cuộc sống như xứ người nữa...
Những đặc tính khác nhau về thể chất, tâm lý, tính khí, truyền thống, thẩm mỹ và văn hóa khi xê dịch đã làm giàu cho nhau, tạo ra những năng lượng thật phong phú và vốn tri thức đa dạng giúp nhiều người đi tới các miền đất mới, để rồi quay trở lại làm giàu cho quê hương.
Quê hương trong mỗi người là hiện hữu những ký ức, những hình ảnh, những mùi hương, những âm thanh, những khái niệm khác nhau. Khả năng quay trở lại quê hương của những người con xa quê là điều cốt yếu để một dân tộc càng có thể làm giàu mình, đẹp mình và chiếu sáng mình. Và, quê hương mỗi người chỉ một!