Ngày 25-5, Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc.
Theo đó, tất cả hành vi như lời nói, lời nhận xét khiếm nhã về trang phục, truyện cười ngụ ý tình dục, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, tin nhắn gợi tình, cử chỉ ngón tay, lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục… cũng được xem là hành vi mang tính chất QRTD.
Muôn kiểu quấy rối…
Phải mất một hồi lâu, chị Trương Thị Kh.H. (26 tuổi, sống tại quận Tân Bình, TPHCM) mới có thể chia sẻ về câu chuyện từng bị QRTD khi đang đi làm của mình. Trước đây, chị làm marketing cho một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh giày. Với chất giọng ngọt ngào, khuôn mặt dễ nhìn, vóc dáng cao ráo… chị phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng và được sếp phân công trực tiếp đi thỏa thuận, ký hợp đồng với khách.
“Hôm đó, sếp gọi tôi đi Vũng Tàu ký hợp đồng với khách. Từ TPHCM tới nơi thì đối tác hẹn ra nhà hàng. Sau khi nói sơ qua về công việc, bỗng đối tác buông lời tán tỉnh, trêu ghẹo về ngoại hình, bảo rằng tôi xinh đẹp, vòng 1 nảy nở… Tôi ban đầu tỏ ý không thích rồi sau đó nói thẳng rằng không thích họ trêu đùa nữa, nhưng anh ta (hơn 40 tuổi) vẫn không dừng lại và bản hợp đồng đã không được ký nhanh như tôi nghĩ ban đầu. Khi ra khỏi nhà hàng, anh ta bảo rằng đi với anh chỗ này một lúc, tôi đắn đo chưa kịp trả lời thì đã bị đẩy lên xe taxi. Đi được một đoạn, tôi thấy tay anh ta vòng qua eo, vuốt ve tôi và đề nghị “tình một đêm” để đổi lấy hợp đồng, phần trăm hoa hồng và những mối làm ăn khác sau này… Sợ quá, tôi đã kêu tài xế taxi dừng lại gấp và bỏ chạy khỏi xe”, H. kể. Tối hôm đó, H. đi bộ một đoạn khá xa và đón taxi khác về Sài Gòn. Đáng nói hơn, H. còn bị sếp gọi lên khiển trách vì cho rằng chị không làm tốt công việc và khách hàng là trên hết. Sau đó, H. nghỉ việc.
Câu chuyện của N.T.N. (quê Thừa Thiên - Huế), công nhân một công ty may mặc tại quận Thủ Đức, còn khủng khiếp hơn. Chân ướt chân ráo từ quê vào TPHCM xin đi làm công nhân, ngay tuần đầu tiên N. lọt vào “mắt xanh” của chuyền trưởng. Thấy N. mới vào làm vừa dễ thương, trắng trẻo lại ngây thơ, khờ khạo hơn các nữ công nhân lâu năm khác, chuyền trưởng thường xuyên giúp đỡ… nhưng về sau lại thường xuyên cố tình “đụng chạm” vào người N., nói bóng gió những lời khó nghe liên quan đến tình dục, gợi ý với N. đi chơi thì sẽ nhận được ưu đãi hơn so với các chị em khác. “Có nhiều lần anh ta lợi dụng lúc vắng người đã đụng chạm, thậm chí ôm hôn tôi. Anh ta còn nhắn tin, rủ tôi đi khách sạn. Tôi quá sợ hãi trong một thời gian dài, chỉ biết âm thầm chịu đựng mà không dám nói với ai vì sợ mất việc, sợ mọi người đàm tiếu. Cuối cùng mới dám kể cho một chị làm cùng chuyền nghe. Đáng lẽ được chia sẻ, không ngờ mọi người râm ran câu chuyện của tôi và có nhiều lời đồn ác ý rằng tôi mới là người… cầu cạnh, quyến rũ anh ta”, N. nức nở kể.
Nạn nhân của QRTD nơi làm việc không chỉ là nữ giới, nhiều đấng mày râu cũng bị quấy rối. T.T., phiên dịch viên tại một công ty ở Khu Công nghệ cao TPHCM kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về đồng nghiệp nam của cô: “Nhiều người trong cơ quan biết anh H. có vấn đề về giới tính nên các chị em gái thường thoải mái, không dè chừng với H.. Công việc áp lực, lúc giải lao chúng tôi cũng hay vui đùa, tếu táo kể chuyện để xả stress. H. luôn là người đầu têu kể những câu chuyện “nhạy cảm”, có phần dung tục… H. nghĩ mình thân thiết với mấy chị em gái nên thường hay nói chuyện về áo quần, khen chê vòng 1, vòng 2 người này, to, người kia nhỏ… Chưa hết, lợi dụng về sự mập mờ giới tính, H. cũng thường hay ôm vai, bá cổ, sờ soạng các nhân viên nam khác làm các anh này cũng hoảng sợ”…
Có thể nói, tình trạng QRTD xảy ra muôn hình muôn vẻ, rất nhiều trường hợp nạn nhân bị xúc phạm, rơi vào trạng thái tâm lý hoảng loạn và chẳng biết phải xử lý thế nào. Bị QRTD, hầu như rất ít người phản ứng, họ chỉ truyền miệng cảnh báo cho nhau về nhân vật cần tránh bởi khi nói đến thì đối tượng thực hiện hành vi QRTD lại phân bua là… đùa cho vui?!
Cần tạo ra nhận thức rộng rãi
QRTD tại nơi làm việc có hai loại hình phổ biến, đó là QRTD “đánh đổi” và QRTD “gây môi trường làm việc kinh khủng”. Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của thực trạng này, trong đó nhóm người lao động nữ di cư, lao động giúp việc gia đình và phụ nữ nhóm yếu thế trong độ tuổi từ 18-30 dễ bị QRTD hơn. Tuy nhiên vẫn có khá nhiều người mơ hồ về khái niệm thế nào là QRTD. Có rất nhiều người cho rằng chỉ khi nào có vuốt ve, sờ mó, cưỡng dâm thì mới gọi là QRTD, còn với những hành vi như gọi điện, nhắn tin bóng gió thậm chí nói thẳng về “chuyện ấy”, hoặc gửi hình ảnh khiêu dâm lại chưa được coi là QRTD. Ranh giới giữa giao tiếp thông thường và QRTD khá mong manh.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Diệu Anh, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, cho rằng thái độ thẳng thắn, dứt khoát là cách ứng xử chị em phụ nữ cần thể hiện khi bị QRTD tại nơi làm việc: “Khi nghe những lời bông đùa, trêu chọc có ý liên quan tình dục, nếu chị em cười hoặc nói hùa theo, đó là thái độ đồng tình với hành vi này, và theo đó, người kia có thể tiếp tục “phát triển” hành vi. Vì vậy, trong công sở, là những đồng nghiệp với nhau, các chị em nên tỏ rõ thái độ của mình đối với đồng nghiệp bằng cách trao đổi với nhau thẳng thắn về quan điểm của mình, chủ động từ chối tham gia những câu chuyện (thậm chí hành vi) có liên quan tình dục. Với thái độ thẳng thắn này, các chị em vừa là bảo vệ cho mình, vừa giúp cho cả đồng nghiệp nam hiểu giới hạn để không vi phạm…”.
Chuyên gia tâm lý Diệu Anh chia sẻ thêm: “Hãy lên tiếng, đừng bấm bụng cho qua đối với những hành vi QRTD, bằng cách nói thẳng với họ ngay lúc đó. Thái độ im lặng có thể khiến người đó hiểu sai thông điệp rằng đó là sự đồng tình; thái độ sợ sệt khiến người đó có thể uy hiếp bằng vũ lực. Nếu đã thể hiện rõ thái độ và lời nói, nếu người đó còn tiếp diễn hành vi QRTD, hãy nói với cấp trên để được bảo vệ”.
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức về QRTD tại nơi làm việc và vẫn chưa có trường hợp QRTD nào bị xử phạt hoặc bị đưa ra tòa như nhiều nước khác đã làm vì hầu hết phụ nữ đều ngại ngùng khi phải nhắc đến. Luật pháp được ban hành nhằm mục đích điều chỉnh các mối quan hệ xã hội và xử lý người vi phạm, nên chuyện nhận tiền bồi thường khá hiếm. QRTD tại nơi làm việc được nhìn nhận như một vấn đề nhạy cảm, khó nói nên có rất ít thông tin để chia sẻ. Báo cáo nghiên cứu về QRTD tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện với sự giúp đỡ của ILO cho thấy, phần lớn nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và các yếu tố văn hóa, nỗi sợ bị mất việc khiến nhiều nạn nhân không trình báo sự việc. Việc QRTD nơi làm việc gây tổn thất cho người lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất lao động và làm xấu đi môi trường tại nơi làm việc.
Sự ra đời của Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nhận thức của nhiều người đối với hành vi QRTD và nhận được nhiều luồng ý kiến. “Bộ Quy tắc ứng xử QRTD tại nơi làm việc ra đời dù muộn nhưng tôi nghĩ cũng tốt. Tuy nhiên chỉ là Bộ Quy tắc chứ không phải luật nên người ta chắc cũng chưa… sợ”, chị Võ Thị Thúy Nở, 32 tuổi, nhân viên thiết kế Công ty TBS (Bình Dương) băn khoăn. Còn anh Lê Quang Lâm, giáo viên một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh, TPHCM, cho rằng: “Từ khía cạnh của một nhân viên, tôi nghĩ không nên quá “cứng nhắc” trong quy tắc ứng xử vì khi đi làm ngoài những áp lực mệt mỏi từ công việc nếu không có những câu cười đùa, mọi người đều… im lặng, thì sẽ rất mệt mỏi. Và bản quy tắc có thể sẽ đi quá xa khi mọi người ai cũng dè chừng nhau…”*
Theo báo cáo của ILO, nhiều nước cũng đã áp dụng một số hình thức của luật chống QRTD thông qua các văn bản pháp luật cụ thể. Năm 1995, Philippines thông qua đạo luật chống QRTD, các quy định này có độ bao phủ khá rộng. Năm 1996, tại Hong Kong, Trung Quốc, pháp lệnh cấm phân biệt đối xử giới tính trong đó có quy định rõ ràng về chống QRTD. Năm 2010, tại Pakistan, Luật Bảo vệ và chống quấy rối phụ nữ tại nơi làm việc được tổng thống phê duyệt. Năm 2013, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua Luật về QRTD… Các nước khác ở châu Á như Thái Lan, Campuchia, Bangladesh, Nhật Bản, Mông Cổ, Indonesia… cũng đã ban hành luật về cấm QRTD từ rất sớm.
| |
TIỂU TÂN
____________________________________
Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Chỉ mang tính… tham khảo
Về Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục (QRTD) tại nơi làm việc, hiện có nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM.
“Bộ Quy tắc nêu rõ QRTD tại nơi làm việc là hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính làm ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc và sự bình đẳng giữa lao động nam và nữ. Hành vi này gây tâm lý lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân, dẫn đến môi trường làm việc không an toàn, hiệu suất làm việc và năng suất lao động bị giảm sút. Theo Bộ Quy tắc, các hình thức QRTD gồm: hành vi quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm. Hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục. Hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm…”, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết.
* Nhìn vào Bộ Quy tắc trên, nhiều người cho rằng sẽ giúp ích trong việc “định vị” những hành vi QRTD, qua đó có thể nhận thức rõ đâu là hành vi QRTD?
- Tôi cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc “định vị” hành vi QRTD vì hiện nay chúng ta chưa có định nghĩa cụ thể về vấn đề này. Trên cơ sở Bộ Quy tắc ứng xử này, các cơ quan Nhà nước, tòa án có thể tham khảo khi xử lý hành vi QRTD. Đối với doanh nghiệp, có thể tham khảo Bộ Quy tắc ứng xử trên để xây dựng nội quy lao động, quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp…
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, các quy tắc ứng xử này cần phải được quy định cụ thể hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật; hoặc các văn bản quy phạm pháp luật cần phải có sự dẫn chiếu Bộ Quy tắc này. Bởi lẽ, Bộ Quy tắc ứng xử không phải là cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết, xử lý khi có hành vi QRTD diễn ra mà chỉ mang ý nghĩa khuyến khích mọi người tuân theo.
* Tuy nhiên, trong Bộ luật Lao động 2012 cũng đã có những quy định về hành vi QRTD thì có cần Bộ Quy tắc ứng xử này?
- Hiện nay, trong Bộ luật Lao động 2012 có một số điều khoản quy định về QRTD như Điều 8 quy định cấm “ngược đãi người lao động, QRTD tại nơi làm việc”; Điều 37 quy định người lao động bị QRTD có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động… Song những quy định như vậy là quá chung chung và cũng không được cụ thể hóa trong các nghị định, thông tư. Điều này dẫn đến hệ quả là người lao động không dám lên tiếng vì những nỗi lo sợ về tâm lý, áp lực về việc làm; hoặc không định vị được trường hợp nào là bị QRTD theo quy định của Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, hiện nay, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng) cũng chưa có những quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi QRTD tại nơi làm việc.
* Nhiều cử chỉ, hành động như đụng chạm, cho xem ảnh nhạy cảm, kể chuyện có tính chất đồi trụy... được Bộ Quy tắc cho là hành vi QRTD. Theo luật sư, có dễ để quy kết đó là hành vi QRTD hay không?
- Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa đưa ra một định nghĩa cụ thể thế nào là QRTD nên việc nhìn nhận những cử chỉ, hành động (đụng chạm, xem ảnh nhạy cảm, kể một câu chuyện có tính chất đồi trụy…) mang tính cảm tính chứ không có cơ sở pháp lý. Quan điểm của tôi thì không chỉ những hành vi đụng chạm thể xác (sờ mó, hôn hít, vuốt ve…) mà việc quấy rối bằng những lời lẽ ve vãn, tục tĩu, khiêu dâm, phản văn hóa, những lời lẽ kích dục (thông qua điện thoại, thư tín, mạng xã hội hay nói trực tiếp…) đều có thể xem là QRTD. Tuy nhiên, có là quấy rối hay không còn phải phụ thuộc vào cảm nhận của người tiếp nhận các hành vi đó: họ có cảm thấy khó chịu về những hành vi đó, họ có yêu cầu người thực hiện hành vi chấm dứt hành vi đó hay họ cảm thấy những lời lẽ đó chỉ là trêu đùa và không có ảnh hưởng đến mình? Vì vậy, các quy định trong Bộ Quy tắc về xác định hành vi QRTD phải đáp ứng cả 2 điều kiện cần và đủ là tính chất gợi dục của hành vi và thái độ của nạn nhân đối với các hành vi đó.
* Nói như vậy, có nghĩa muốn chứng minh hành vi QRTD thì chí ít phải bắt được quả tang hoặc có người làm chứng?
- Theo thống kê từ Tổ chức Lao động Thế giới, phần lớn nạn nhân bị QRTD ở Việt Nam là nữ (78,2%) và độ tuổi từ 18 đến 30 thường bị quấy rối nhiều nhất. Nhưng nạn nhân thường cho là việc này nhạy cảm, khó nói, sợ mất việc, bị đàm tiếu nên ít chia sẻ và đành cam chịu. Vì vậy, ở Việt Nam, khi xảy ra QRTD, yêu cầu phải có người làm chứng, có camera ghi lại mới được xem là chứng cứ để chứng minh hành vi QRTD.
* Ở một số nước, hành vi QRTD đã được pháp luật quy định rất rõ ràng. Trong khi ở Việt Nam, Bộ Quy tắc chỉ mang tính… tham khảo mà không phải là biện pháp chế tài thì chẳng khác nào “đánh trống bỏ dùi”?
- Các nước như Mỹ, Đức quy định rất rõ ràng từ khái niệm đến từng khung chế tài. Người bị tố cáo QRTD vừa bị phạt tù, phạt tiền. Gần chúng ta nhất là Malaysia phạt tù đến 5 năm và tiền đối với người phạm tội QRTD; Philippines phạt tù từ 1 đến 6 tháng kèm tiền phạt từ 200-400 USD. Đồng thời, các nước còn có các tổ chức, hiệp hội bảo vệ người bị QRTD.
Do đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành các quy tắc xác định hành vi QRTD nơi làm việc và các quy tắc này cũng có tác động rộng tới đời sống xã hội, nên theo tôi cần có thời gian để kiểm nghiệm, xác định tính đúng đắn, phù hợp thực tế của các quy tắc trong Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD. Sau một thời gian thực hiện, các quy tắc phù hợp cần được nâng thành quy định pháp luật để có cơ sở pháp lý xử lý hành vi vi phạm. Chính vì vậy, tôi cho rằng bước đi của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong trường hợp này là thích hợp. Bên cạnh đó, hiện nay pháp luật nước ta cũng đã có quy định trong Bộ luật Hình sự để xử lý vi phạm đối với các hành vi QRTD nghiêm trọng như cưỡng dâm, hiếp dâm.
* Để Bộ Quy tắc đi vào thực tiễn cuộc sống, theo luật sư, Chính phủ cần sớm có những biện pháp nào?
- Để Bộ Quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc đi vào cuộc sống thì Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần phải tuyên truyền, phổ biến Bộ Quy tắc này. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đưa Bộ Quy tắc này vào nội quy lao động, quy chế làm việc buộc người lao động, nhân viên trong cơ quan, đơn vị của mình tuân thủ, thực hiện. Đây là công việc có tính chất quan trọng trong việc đưa các quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc đi vào cuộc sống. Đồng thời, Chính phủ cũng cần sớm bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính hành vi QRTD vào Nghị định 95/2013/NĐ-CP để đảm bảo tính chế tài, xử lý các đối tượng vi phạm.
Hương Giang