Số ca mắc tăng rất cao
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, chỉ trong vòng 1 tuần, TPHCM ghi nhận 1.999 mắc SXH, số bệnh nhân nặng nhập viện tại các cơ sở điều trị có xu hướng tăng so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 66.699 trường hợp mắc SXH, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, với số ca SXH nặng là 1.477 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là 2,2%, tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng tuần qua, thành phố ghi nhận 3 trường hợp tử vong do SXH tại quận Bình Tân và TP Thủ Đức, nâng tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp.
Bệnh nhiệt đới TPHCM. Ảnh: QUANG HUY
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc bệnh viện, cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 500 ca SXH nặng, trong đó có 2 bệnh nhân tử vong. Trường hợp tử vong do nhập viện quá muộn và chuyển viện trong tình trạng rất nặng mà không có sự hội chẩn trước với tuyến trên. Số ca SXH nhập viện tích lũy giảm nhưng số ca nặng chuyển đến vẫn tăng.
Tại khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, ThS-BS Hà Thị Hải Đường, Phó Trưởng khoa cho biết, đang điều trị cho 5 bệnh nhân mắc SXH nặng, trong đó có 2 ca rất nặng phải thở máy, lọc máu và thay huyết tương. Một số trường hợp nặng khác có biểu hiện sốc, tái sốc, tổn thương gan, rối loạn đông máu, xuất huyết nặng...
“Năm nay số ca mắc SXH có biểu hiện lâm sàng nặng hơn những năm trước. Bệnh nhân bị sốc sớm hơn, tái sốt nhiều hơn. Sốt cao, suy gan nặng, xuất huyết nặng cũng tăng. Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã có chỉ đạo phân tầng điều trị SXH nên khoa chỉ tiếp nhận những ca nặng và rất nặng với khoảng 50% trường hợp cần can thiệp hỗ trợ hô hấp và điều trị chuyên sâu”, BS Hải Đường thông tin.
Còn tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tiếp trong những ngày gần đây, bệnh nhân SXH nặng phải nhập viện điều trị liên tục gia tăng, khiến các phòng điều trị đều kín người bệnh. PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, cho biết, mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nặng trong tình trạng tiểu cầu giảm hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng do SXH.
Cùng với đó, tại nhiều bệnh viện của Hà Nội như: Xanh Pôn, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông…, số ca mắc SXH phải nhập viện điều trị tăng rất cao. Theo Sở Y tế Hà Nội, tích lũy từ đầu năm 2022 tới nay, Hà Nội đã có khoảng 7.000 ca mắc SXH với 5 ca tử vong, so với cùng kỳ năm ngoái số ca mắc tăng gấp 3,2 lần.
Dịch còn diễn biến phức tạp
Theo ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhiều khả năng trong thời gian tới, dịch SXH tại Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc tiếp tục ở mức cao do đang trong cao điểm của mùa dịch hàng năm. Đặc biệt, một số chuyên gia dịch tễ cảnh báo, theo chu kỳ bùng phát 5 năm/lần thì có thể trong tháng 11 và 12 tới sẽ là đỉnh điểm của dịch SXH ở nước ta.
Không chỉ có vậy, nguy cơ dịch chồng dịch cũng rất lớn khi Covid-19 vẫn đang tồn tại, cùng với dịch cúm, sởi, thủy đậu, Adenovirus. Đáng lưu ý, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do Covid-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ mình mắc SXH. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thì mới đến bệnh viện. Lúc đó bệnh nhân phải truyền tiểu cầu hoặc dung dịch cao phân tử.
Theo PGS-TS Đỗ Duy Cường, có nhiều ca mắc SXH nặng bị suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận đã phải lọc máu, khiến việc điều trị gặp không ít khó khăn. Do đó, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như kháng nguyên Dengue NS1 để phát hiện SXH sớm từ những ngày đầu. Nếu đúng SXH, người bệnh sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời.
Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện. Với những trường hợp mắc SXH điều trị tại nhà, người bệnh có thể cặp nhiệt độ và theo dõi các dấu hiệu toàn thân thường xuyên. Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau nhưng phải tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, Ibuprofen vì có thể gây chảy máu.
Đặc biệt không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như: đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa. Bệnh nhân có thể uống nhiều nước như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống, nghỉ ngơi. Sang ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trước tình hình số ca mắc SXH tử vong gia tăng, Sở Y tế TPHCM đã ban hành quyết định thành lập tổ chuyên gia về điều trị SXH với 15 chuyên gia về nhi; 13 chuyên gia về người lớn; 4 chuyên gia về tiêu hóa và 1 chuyên gia về huyết học. Tổ này có nhiệm vụ tham gia cập nhật bổ sung hướng dẫn điều trị về SXH; xây dựng các đồng thuận về điều trị trong khi chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn điều trị. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng triển khai quy trình báo động đỏ đối với bệnh nhân SXH nặng: ngưng tim, ngưng thở đột ngột. Tùy tình huống và năng lực điều trị của bệnh viện để kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện, liên viện hoặc cả 2 nhằm đảm bảo kịp thời cứu sống bệnh nhân. |
Khi nào cần tới cơ sở y tế? ------------------------------------------- |