Các tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung đang phải gánh chịu đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ đầu mùa đông tới nay. Tại nhiều vùng núi phía Bắc, nhiệt độ xuống thấp tới mức đã xuất hiện băng giá. Thời tiết rét cắt da, cắt thịt kéo dài gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân, nhất là về sức khỏe. Số người bị mắc các bệnh do giá rét gây ra tăng mạnh, khiến nhiều bệnh viện (BV) bị quá tải và gặp không ít khó khăn trong khám chữa bệnh.
Đua nhau đổ bệnh
Mặc dù đã gần trưa, khu khám bệnh của BV Lão khoa quốc gia vẫn rất đông người bệnh. Mệt mỏi sau cơn ho rũ rượi trong lúc ngồi chờ tới lượt khám bệnh, bác Tuấn (67 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi bị viêm phế quản mãn tính nên mỗi khi thời tiết thay đổi, nhất là có mưa rét, thì lại tức ngực, khó thở và ho suốt ngày, thậm chí nhiều đêm cũng chẳng ngủ. Mỗi lần đổ bệnh lại phải tới BV khám và lấy thuốc, tới đây từ lúc sáng mà chờ gần 2 tiếng rồi vẫn chưa tới lượt”.
Trong khi đó, lặn lội từ Thái Bình lên để đưa mẹ đi khám tim mạch, anh N.H.Hưng (ở huyện Kiến Xương) cho biết: “Mấy hôm này, mẹ tôi cứ kêu bị tê bì hết cả một cánh tay nên gia đình rất lo, phải đưa lên Hà Nội khám, vì thời tiết lạnh như thế này người già rất dễ bị tai biến”.
Theo một số bác sĩ, khoảng một tuần trở lại đây, khi thời tiết miền Bắc có rét đậm, rét hại, số bệnh nhân mắc các bệnh do thời tiết gây ra có chiều hướng tăng mạnh, nhất là người cao tuổi và chủ yếu là những bệnh về tim mạch, xương khớp, viêm đường hô hấp. Trong đó, chỉ riêng số bệnh nhân đột quỵ tăng cao hơn 15% so với trước, mỗi ngày có không dưới 30 bệnh nhân nhập viện.
Trẻ nhỏ cũng là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh khi thời tiết giá lạnh. PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi trung ương, cho biết những ngày qua, trong số gần 4.000 trẻ đến BV mỗi ngày thì phần lớn là mắc bệnh đường hô hấp và tiêu chảy do virus. Ghi nhận tại Khoa Nhi của BV Bạch Mai và BV Xanh Pôn cũng cho thấy, số trẻ tới khám và nhập viện do thời tiết rét đậm, rét hại gây hại tăng cao hơn 10% - 20% so với trước. Trong đó, một số trẻ đã phải cấp cứu vì viêm phổi nặng.
Đáng lo ngại, giá rét không chỉ làm gia tăng bệnh nhân tại các BV tuyến cuối ở Hà Nội, mà nhiều BV ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn... cũng ghi nhận lượng bệnh nhân tăng khá cao.
Theo bác sĩ Phương Đức Cù, Giám đốc BV Đa khoa Cao Bằng, hiện nay cả viện đang có khoảng 400 bệnh nhân điều trị nội trú, chủ yếu là bị viêm phổi do thời tiết giá lạnh gây ra. Tại Khoa Nhi của BV Sản nhi Lào Cai đã kê thêm hơn 40 giường bệnh, nâng tổng số giường bệnh lên con số 100 để đảm bảo phục vụ việc điều trị cho bệnh nhi.
Căng mình chống rét
Số bệnh nhân nhập viện tăng cao không chỉ gây quá tải cho một số khoa, phòng điều trị mà các BV cũng phải chuẩn bị chu đáo hơn để giúp người bệnh chống rét. Bộ Y tế đã yêu cầu các BV tăng cường thiết bị sưởi, chăn ấm trong phòng nội trú; phải đảm bảo sức khỏe cho người dân trong suốt quá trình khám bệnh ngoại trú, nơi chờ khám phải kín gió. Các cơ sở điều trị cũng phải chuẩn bị đủ cơ số thuốc, giường bệnh, phương tiện để bảo đảm cấp cứu, điều trị cho người bệnh do giá rét gây ra.
Tại BV Bạch Mai, TS Đồng Văn Thành, phụ trách Khoa Khám bệnh, cho biết để chuẩn bị đối phó những đợt không khí lạnh kéo dài trong mùa đông, khoa đã tăng cường gần 30 máy sưởi cho các khu vực phục vụ bệnh nhân ngoại trú.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh, Trưởng phòng Công tác xã hội BV K, thông báo để phục vụ các bệnh nhân đang điều trị nội trú cũng như bệnh nhân ngoại trú tại khu vực phòng khám, BV đã yêu cầu các khoa, phòng rà soát cấp đủ mền, duy trì các thiết bị giữ ấm cho bệnh nhân.
Nhiều BV tuyến tỉnh cũng nỗ lực triển khai các giải pháp phòng chống rét cho người bệnh. Tại BV Đa khoa Cao Bằng, mặc dù các phòng bệnh đã được lắp cửa kính tránh gió lùa nhưng vẫn bổ sung máy sưởi điện tại phòng bệnh, bật điều hòa ấm cho bệnh nhi sơ sinh và tăng cường mền cho bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, để hạn chế việc trẻ nhiễm các bệnh trong thời điểm rét đậm, các bậc cha mẹ cần giữ ấm cho trẻ và có chế độ ăn uống phù hợp, nhiều chất dinh dưỡng nhằm tăng sức đề kháng. Ngoài ra, thời tiết mùa đông xuân cũng khiến cho trẻ dễ bị mắc các bệnh như cúm, sởi, tiêu chảy do rotavius, ho gà, thủy đậu..., nên phải bảo đảm cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine.